Rừng trồng gỗ lớn góp phần nâng cao độ che phủ rừng

Cơ hội

Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) Hòa Lộc, xã Lộc Bổn (Phú Lộc), ông Hồ Đa Thê nhận thấy, tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh (SXKD) rừng trồng, đặc biệt là RGL gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh rất lớn. Đây không chỉ là cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó bão lũ đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Cơ hội lớn thấy rõ đối với trồng RGL khi trên địa bàn tỉnh có đến 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ... với tổng doanh thu 1.344.575 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hằng năm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho các nhà máy.

Ông Hồ Đa Thê cho rằng, thúc đẩy trồng RGL không có con đường nào khác ngoài việc thành lập các HTXLNBV theo chủ trương của tỉnh. Đây cũng là điều kiện, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua hình thức tổ chức hợp tác sản xuất, phát triển RGL, có chứng chỉ FSC. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm xuất khẩu thông qua sự hỗ trợ, kết nối của FOSDA, tạo cơ hội đầu ra ổn định và cho thu nhập mỗi ha RGL tăng khoảng 45% so với rừng gỗ nhỏ.

HTXLNBV Hòa Lộc - đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức sản xuất trồng RGL có chứng chỉ FSC dưới sự hỗ trợ của FOSDA. HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến gỗ, diện tích xây dựng 700m2 với giá trị 1,2 tỷ đồng. Ngoài vốn góp của thành viên 690 triệu đồng, HTX còn huy động vay của một số thành viên khoảng 2 tỷ đồng đầu tư hoạt động SXKD và dịch vụ. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 410 triệu đồng. Nguồn vốn từ lợi nhuận, các thành viên thống nhất bổ sung vào nguồn vốn đầu tư mở rộng SXKD.

Thúc đẩy phát triển rừng gỗ lớn

Ông Võ Văn Dự đánh giá, trồng RGL, quản lý rừng bền vững góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, duy trì các chức năng hệ sinh thái và tính toàn vẹn, ổn định hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu. Đồng thời, đảm bảo môi trường xanh, bồi bổ và bảo vệ đất đai, nguồn nước, lưu giữ các bon, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.

Toàn tỉnh hiện có 311.206 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 211.373 ha, rừng trồng 99.833 ha, song RGL mới chỉ khoảng 9.000 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đến nay khoảng 57,4%. Điều này cho thấy tiềm năng và lợi thế SXKD rừng trồng, đặc biệt là RGL gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Từ mô hình thí điểm HTXLNBV Hòa Lộc hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh thành lập 19 HTXLNBV với 393 hộ thành viên với khoảng 2.669,36 ha rừng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC. Tuy nhiên, đây là con số khiêm tốn so với tổng số 13.097 hộ lâm dân trên toàn tỉnh đang quản lý và sử dụng 13.904,39 ha rừng trồng sản xuất.

Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2020 xây dựng 16 ngàn ha RGL, tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC, sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường với diện tích 9.000 ha. Các cấp, ban ngành đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch nhưng kết quả hằng năm vẫn còn hạn chế. Thống kê sơ bộ diện tích của các hộ gia đình năm 2019, rừng trồng năm thứ 4 có 586 ha, nhưng rừng trồng năm thứ 7 chỉ 28 ha.

Trở ngại lớn trong quá trình thực hiện trồng RGL có thể thấy từ nhiều nguyên nhân, do chu kỳ thu hoạch dài (từ 7 năm trở lên) nên nhiều hộ không có khả năng tài chính duy trì; việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc RGL chưa đầy đủ làm hạn chế đến năng suất, chất lượng gỗ, rủi ro thiên tai...

Ông Dự cho rằng, một trong những xu hướng phát triển kinh tế rừng, quản lý đất lâm nghiệp bền vững, con đường tích tụ ruộng đất thích hợp để hình thành vùng nguyên liệu tập trung là hình thành các HTXLNBV theo chuỗi giá trị, mà các xã viên là các lâm hộ có quy mô sản xuất với mức hạn điền nhỏ. Việc đẩy mạnh thành lập HTXLNBV tại các địa phương, tiến đến hình thành liên hiệp các HTXLNBV là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế hội nhập.

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trồng RGL lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, FOSDA đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đầu tư, hỗ trợ thành lập mới, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTXLNBV. Đồng thời, đầu tư sản xuất nguồn giống chất lượng, thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu trồng RGL trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, nhu cầu cây giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 25 triệu cây/năm, phần lớn được các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh cung ứng. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, tỷ lệ giống chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ chiếm khoảng 50%, trong đó mới khoảng 3 triệu giống nuôi cấy mô, thân thiện với môi trường. Số giống còn lại được đánh giá trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là các vùng núi, vùng sâu vùng xa. Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong bước đầu mở rộng, nâng công suất sản xuất lên 2 triệu giống nuôi cấy mô/năm và sản xuất 8 triệu cây keo lai hom/năm từ cây mẹ đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy vậy, phần lớn cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô chủ yếu để tạo cây đầu dòng và xuất bán ra ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều