Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân thôn Thượng Điện, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ảnh: TTXVN

1. Đại hội Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Đây là dịp các thế lực phản động tung ra nhiều chiêu trò chống lại đường lối của Đảng sẽ được trình đại hội.

Mục đích cao nhất là nhằm đả kích những quyết sách sống còn, những định hướng lớn thể hiện vai trò của Đảng. Chúng cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời, lạc hậu, Việt Nam “kiên trì” đi theo là sai lầm về lý luận và thực tiễn; không rút kinh nghiệm từ sụp đổ của các nước Đông Âu, Liên Xô là tai hại cho đất nước, không thể giữ quan điểm “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chúng cho rằng, Đại hội XIII là cơ hội để đổi mới chính trị theo hướng “đa nguyên chính trị”, “tam quyền phân lập”, xây dựng “xã hội dân sự” và chúng lợi dụng một số hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong Đảng và xã hội để bóp méo, quy kết vai trò lãnh đạo yếu kém của Đảng... Những quan điểm sai trái, phi lịch sử, phản khoa học diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trên phương tiện truyền thông đều nhằm mục tiêu chống phá Đảng, hướng lái đất nước theo con đường tư bản.

Các đối tượng cực đoan trong và ngoài nước lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "yêu nước" với chiêu trò “góp ý xây dựng” nhưng thực chất là phản đối đường lối của Đảng. Những “nhà dân chủ cuội” tung ra nhiều bài viết, hồi ký, trả lời phỏng vấn với lời lẽ xảo trá, đổi trắng thay đen về Đảng và chế độ.

Họ tung ra “Thư kiến nghị”, “góp ý”, “trao đổi” dưới danh nghĩa “phản biện”, “xây dựng” nhưng lại đặt vấn đề sai lầm về đường lối. Danh nghĩa góp ý nhưng lại vạch “lộ trình” cho ra đời xã hội dân sự, tự do chống Nhà nước bằng “biểu tình ôn hòa”. Chúng yêu cầu sớm ban hành luật biểu tình, bỏ Luật An ninh mạng, dân chúng được quyền “tự do ngôn luận”, “tự do lập hội”. Người nghe nếu không phân biệt được đúng sai, thiếu chọn lọc sẽ dễ bị kích động, gây nên luồng tư tưởng chống lại Đảng, Nhà nước. Đây là những kẻ lớn tiếng nhất, lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc đường lối. Đó là những người đã từng đứng trong hàng ngũ của Đảng, đã bị vi phạm kỷ luật hoặc bất mãn về đãi ngộ. Một số người từng có cống hiến, đến khi nghỉ hưu bộc lộ công thần, suy diễn ích kỷ, muốn được “đề cao, tôn vinh”...

2. Những luận điệu và phương thức chống phá không mới, được lặp lại vào thời điểm các cấp ủy Đảng đang tham gia văn kiện là có ý đồ. Các đảng cầm quyền các nước trên thế giới đều định hướng đường lối lãnh đạo đất nước cho từng giai đoạn. Đường lối đó phải được đảng viên hưởng ứng, người dân đồng tình, đất nước phát triển và có uy tín quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó nhằm thực hiện mục tiêu, cương lĩnh đã đề ra.

Trong giai đoạn mới, tình hình trên thế giới, trong nước đang diễn biến phức tạp, tác động lớn đến an ninh, phát triển kinh tế thì đòi hỏi phải có đường lối đúng đắn, phù hợp. Công cuộc đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, thay đổi toàn diện bộ mặt đất nước, đời sống xã hội. Nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng, nghèo đói, từng bước phát triển. Bằng sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự phấn đấu nỗ lực của toàn dân, dù còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà nói đất nước “chìm trong khủng hoảng”, “tình thế lâm nguy, hiểm nghèo”... như lời xuyên tạc.

 Chúng ta đã có những đổi mới về chính trị trong xây dựng cơ chế quyền lực, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tổ chức Đảng, hệ thống chính trị ngày càng nâng cao trách nhiệm xã hội. Không thể vì một bộ phận cán bộ, đảng viên sai phạm mà đổ lỗi cho “độc đảng” sản sinh “chế độ độc tài, tham nhũng”. Đổi mới chính trị là cần thiết nhưng không thể thay đổi thể chế chính trị, từ bỏ “con đường xã hội chủ nghĩa”.

Đa nguyên, đa đảng không phải là nguyên lý phát triển và áp dụng tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh mỗi nước. Không thể bắt buộc Đảng phải mở rộng đa nguyên và không thể nói chỉ đa nguyên mới có dân chủ.

Nhiều nước danh nghĩa là đa đảng nhưng chỉ một hoặc 2 đảng có thế lực thay nhau cầm quyền. Đường lối của Đảng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là định hướng lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể xem đó là đường lối lạc hậu, kìm hãm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trí tuệ của Đảng thể hiện ra văn kiện, là định hướng để làm chứ không phải để nói, không chỉ là lý luận suông”.

Hiện nay, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề trên thế giới và trong nước, tác động tiêu cực trên nhiều mặt, nhưng Đảng đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng lãnh đạo toàn dân từng bước vượt qua khó khăn. Tính ưu việt của chế độ, xử lý nhạy bén của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân đã tạo nên sức mạnh từng bước vượt qua dịch bệnh. Hàng chục ngàn người Việt ở nước ngoài đang thấp thỏm mong được trở về trong vòng tay yêu thương của đất mẹ.

Mục tiêu, con đường cách mạng, thể chế chính trị là sự lựa chọn của lịch sử, dân tộc và Nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng là bài học xuyên suốt chiều dài đất nước, là nhân tố tổ chức và quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trải qua hơn 90 năm từ khi Đảng ra đời là khoảng thời gian chứng minh rõ ràng nhất.

NGUYỄN AN HÒA