Người dân cố gắng thu hoạch lúa Ra dư sau mưa bão

Gần đến giai đoạn thu hoạch, mưa, bão làm phần lớn diện tích lúa cạn, nhất là lúa Ra dư tại A Lưới bị gãy, đổ. Một phần sạt lở đất vùng đồi làm hư hại lúa. Trên đám ruộng lúa cạn đổ ngổn ngang, chị Trần Thị Loan, Giám đốc HTX NN Hồng Thủy xót xa: “Theo kế hoạch, đến tháng 11 mới có thể thu hoạch lúa cạn nhưng mưa bão trong tháng 10 làm gẫy đổ, hư hại rất nhiều diện tích lúa cạn trong tổng số 100 ha của người dân và khoảng 30 ha của HTX”.

Một trong những nỗi lo tại A Lưới cho vụ đông xuân năm nay, theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới là qua thống kê bước đầu, có đến 58 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại lên đến 8,5 tỷ đồng và khoảng 130 ha ruộng bị bồi lấp sau mưa lũ. Để gieo sạ vụ đông xuân, cần phải giải quyết tình trạng bồi lấp. “Ở những địa phương bị hư hỏng nặng công trình thủy lợi, không thể khắc phục kịp, cũng khó gieo sạ lúa cho vụ tới”, ông Lập khẳng định.

Tìm giải pháp cho cây lương thực vụ tới là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay tại A Lưới. Theo đại diện ngành nông nghiệp địa phương, vụ mới của lúa nước sẽ bắt đầu từ khoảng nửa sau tháng 12, trong khi đó lúa cạn sẽ bắt đầu khoảng từ 20/4 – 30/5 năm sau. Vấn đề chuẩn bị lại nguồn giống, hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới tiêu, ruộng rẫy và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được quan tâm khắc phục và chuẩn bị.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới chia sẻ, việc gieo sạ lúa nước tại các địa phương huyện A Lưới chủ yếu sử dụng giống nguyên chủng, hằng năm đều phải mua, trong khi thiệt hại do mưa lũ vừa qua tại A Lưới là rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Trước tình trạng trên, Phòng NN&PTNT huyện đã có tờ trình gửi Sở NN&PTNT về việc hỗ trợ giống lúa, ngô, rau màu vụ đông xuân 2020 – 2021. Trong đó, ngoài xin hỗ trợ 450kg giống rau thì còn có thêm 100 tấn giống lúa ngắn ngày như HT1, HN6, DV108, TH5, HG12, ML48, DT39, Hà Phát 3… và 15 tấn ngô lai.

Hiện, ngành nông nghiệp đang rà soát để khắc phục các công trình thủy lợi và diện tích ruộng lúa nước bị bồi lấp. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, đối với các khu vực ruộng lúa bị bồi lấp nhẹ sẽ phối hợp lực lượng các địa phương đào thủ công nhưng với những diện tích ruộng bị bồi lấp lớn, cần tìm phương án hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để huy động máy móc, phương tiện đào bới. Đối với các địa phương có công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, chưa thể khắc phục trong vụ này, sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu sang cây ngô.

Chị Trần Thị Loan cho biết, đối với lúa cạn, nhất là giống lúa Ra dư truyền thống, sau đợt mưa, sẽ vận động, cùng người dân thu hoạch theo phương châm tận dụng nhằm thu lại nguồn giống phục vụ gieo trồng cho vụ sau, hạn chế mua giống mới. Sau khi thu hoạch, giai đoạn từ sau tháng 11 đến tháng 4 năm sau sẽ chuyển sang trồng ngô theo hướng hữu cơ.

Bài, ảnh: Hữu Phúc