Tác phẩm đạo tranh của hoạ sĩ Lê Minh Phong từng bị phát hiện

Trong khi vẫn có một lớp khách hàng thích tranh giá rẻ, ngược lại nhiều họa sĩ, nhà sưu tập kịch liệt lên án nạn chép tranh “mượn râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vấn nạn này được xem như là sự vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, ảnh hưởng đến nghệ thuật và những họa sĩ hoạt động chân chính.

Không chỉ ở những thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội  nơi có lượng người chơi tranh rầm rộ và thị trường phải đối mặt thường xuyên với vấn nạn đạo tranh, lâu nay vấn nạn ấy cũng đã xảy ra ở Huế.

Gần đây nhất, một nhà sưu tập tranh có tiếng ở Huế rất bức xúc khi bị hiểu nhầm bởi vấn nạn đạo tranh. Đó là một tác phẩm vẽ về chủ đề thiếu nữ được người trong nghề ở TP. Hồ Chí Minh giới thiệu cho anh. Vì có mối thâm tình trong quan hệ làm ăn, anh đồng ý mua lại bức tranh này. “Tôi nghĩ đó là một bức tranh đẹp, giá cả vừa phải. Một phần mình cũng thích bức tranh đó nên tôi quyết định mua chơi chứ không để ý ai là người vẽ tác phẩm đó”, nhà sưu tập kể lại.

Bức tranh ấy được treo rất lâu và không có vấn đề gì xảy ra, cho đến một ngày, bức tranh ấy được nhà sưu tập này tặng cho một người bạn. Bức tranh ấy được chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội. Khi hình  tranh vừa được đăng lên, một họa sĩ liền có ý kiến “đó là tranh của tôi và tôi đã bán rất lâu, không có mức giá đó” thì nhà sưu tập mới giật mình.

Người họa sĩ này còn cung cấp thêm một vài thông tin rằng bức tranh ấy được vẽ muộn hơn chứ không như năm viết lên tranh. Không dừng lại đó, sau khi kiểm chứng, bức tranh ấy được chép của chính người họa sĩ có ý kiến nhưng lại ký tên một tác giả có tiếng khác.

Người viết đã liên hệ con của tác giả bị ký tên trên bức tranh ấy ở TP. Huế và được khẳng định: “Đó không phải là chữ ký của ba tôi”! Từ đó có thể khẳng định rằng, bức tranh thiếu nữ đó đã bị chép của một họa sĩ và ký tên... một họa sĩ khác.

“Tôi đã cảm ơn người họa sĩ đó vì đã cung cấp thông tin và giúp mình có kinh nghiệm hơn trong việc sưu tập bởi thị trường tranh thật – giả vô cùng phức tạp”, nhà sưu tập kể lại và khẳng định rằng, chính bản thân anh cũng là nạn nhân trong quá trình sưu tập bức tranh này.

Từ câu chuyện trên cho thấy, thị trường chép, đạo tranh hiện nay không chỉ tinh vi, kỹ xảo ở mặt kỹ thuật mà còn tạo ra sự rối ren, gây hiểu nhầm giữa các họa sĩ với nhau. Thay vì chép tranh và không cần ký tên rồi rao bán, bây giờ người ta chép tranh của người này rồi ký tên người khác, như thế không thể chấp nhận được. “Bên cạnh vi phạm bản quyền nghiêm trọng, nó còn dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khác, gây tranh cãi và hiểu nhầm, thậm chí đặt ra thách thức trong thị trường sưu tập”, nhà sưu tập nói thêm.

Tranh của hoạ sĩ Lê Minh Phong vào năm 2018 cũng bị một xưởng tranh ở Hà Nội chép lại y nguyên và rao bán với giá tranh chép trước sự ngỡ ngàng của chính tác giả. Hoạ sĩ Lê Minh Phong ngay sau đó đã phản ứng và xưởng tranh đã nhận lỗi, hạ xuống. Nhưng đó cũng là cách đối phó tạm thời, thực tế nạn đạo tranh vẫn diễn ra không có hồi kết.

Một họa sĩ ở Huế (xin được giấu tên) nói rằng, thực trạng “đạo tranh” rồi ký tên của chính tác giả hoặc “đạo” của người này để tên người khác thực chất suy cho cùng cũng là một vấn nạn. Nó không chỉ sai phạm về mặt bản quyền mà còn liên quan đến câu chuyện đạo đức nghề nghiệp. Lâu nay vấn nạn này đã được truyền thông và những cơ quan liên quan, các họa sĩ lên án rất nhiều nhưng rồi đâu cũng vào đấy. “Cần có một hình thức xử phạt thích đáng, có như thế nền hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung mới có thể phát triển”, vị họa sĩ này nói.

PGS.TS. Phan Thanh Bình, Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, trước đó đã trao đổi với chúng tôi rất nhiều về vấn nạn này. Theo ông Bình, việc chép, đạo tranh xuất hiện từ trước năm 2000 và về sau càng nghiêm trọng hơn. Cá nhân ông cũng như nhiều đồng nghiệp đã từng bị “đạo tranh” gây thiệt hại nặng nề về uy tín và kinh tế. Ông Bình đề nghị, đã đến lúc phải xử lý mạnh tay, nêu rõ tội danh một cách rõ ràng để đảm bảo tính nghiêm minh.

Bài, ảnh: NHẬT MINH