Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa tham gia thảo luận. Ảnh: Linh Trọng

Tránh chồng chéo

Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy ban Quốc phòng- an ninh của Quốc hội là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì thẩm tra các dự thảo luật này. Nhìn chung, ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành đều thống nhất tách 2 luật này (Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ). Quốc hội cũng sớm thông qua các luật này để đồng bộ với một số luật hiện hành.  

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nêu quan điểm, hiện nay việc thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) là công an. Khi diễn ra các sự kiện, lễ hội, lực lượng công an điều hành giao thông thông suốt. Khi xuất hiện bóng dáng công an, người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trong các luật này được điều chỉnh giữa 2 bộ (Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải), trách nhiệm chưa rõ, tổ chức cồng kềnh, còn sự chồng chéo giữa các lực lượng: thanh tra giao thông, ban ATGT, cảnh sát giao thông. Do đó, để đảm bảo thực thi pháp luật, nên có 1 bộ luật để xác định trách nhiệm cho lực lượng công an, Bộ luật này ra đời thì công an là người chịu trách nhiệm chính. Rồi đây có thể lực lượng thanh tra giao thông và ban ATGT không còn nữa mà thay vào đó là lực lượng công an thực thi pháp luật trên đường bộ.

Ở đây dư luận đang băn khoăn về việc quyền đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe thuộc thẩm quyền bộ nào. Hiện nay vẫn có nhiều đơn vị, trong đó có cả tư nhân tổ chức đào tạo, dạy lái xe. Theo đại biểu cần giao quyền quản lý hành chính lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe cho cơ quan công an. Vì kinh nghiệm về chức năng đào tạo, sát hạch, cấp bằng thì ngành công an có thừa và chắc chắn sẽ nghiêm hơn. Khi tổ chức sát hạch, sẽ có bộ phận giám khảo với đầy đủ ngành công an, giao thông, trường dạy lái xe và tổ chức thi theo công nghệ.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa thống nhất về kiểm định phương tiện giao thông giao cho ngành giao thông như lâu nay.

Quy hoạch giao thông gắn với quốc phòng- an ninh

Theo đại biểu nên giao nhiệm vụ đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe cho ngành công an

Đi sâu vào phân tích cụ thể từng nội dung của luật, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa quan tâm đến quy hoạch giao thông. Thực tế ở nhiều thành phố lớn chưa quy hoạch đã lạc hậu, các chủ dự án dành rất ít diện tích đất cho quy hoạch giao thông tĩnh. Nên chăng, trong luật cần quy định rất cụ thể, khu chung cư, khu đô thị bao nhiêu ha thì quy định làn đường như thế nào.

Theo đại biểu, quy hoạch giao thông cũng cần gắn với quốc phòng- an ninh, những tuyến giao thông cần thiết cho quốc phòng cần được quy hoạch theo đường xương cá kết nối nhằm cơ động trong phòng chống bão lụt, cơ động khi sự cố thiên tai. Riêng việc sử dụng gầm cầu cạn để phương tiện ô tô, xe máy theo đại biểu phải cấm.

Vấn đề nữa là việc sử dụng hành lang ATGT. Trong luật quy định hành lang này được trồng cây lâm nghiệp, cây sản xuất. Đại biểu không đồng tình và cho rằng hành lang ngoài đường là phải trồng cây cảnh, cây đẹp, cây tạo cảnh quan. Cần quan tâm đến việc kết nối, đấu nối vào hệ thống giao thông, thời hạn kết nối như thế nào, thẩm quyền kết nối của cấp nào. Ở một số huyện quan tâm mở đường dân sinh nhưng đến khi kết nối lại không được, đành phải rào lại để đó. Đề nghị quy định rõ để tránh rườm rà cho cơ sở.  

Về niên hạn, theo đại biểu cần cân nhắc kỹ để đưa ra quy định niên hạn hợp lý cho từng loại xe. Ví dụ như xe sử dụng nhiều thì nên có niên hạn thấp lại và ngược lại.

Thái Bình (lược ghi)