Trồng rừng ở A Lưới. Ảnh: Khoa Huy

Nhìn vào phương thức hình thành các loại rừng sẽ thấy, rừng tự nhiên có ý nghĩa to lớn nhất đối với việc tạo nên hệ sinh thái cho cuộc sống, nhất là chức năng cân bằng sinh thái. Loại rừng này theo quy định thường là phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng phòng hộ, do đặc điểm trạng thái và cách thức hình thành có một phần rừng tự nhiên (chủ yếu) và rừng trồng. Và rừng sản xuất chủ yếu là rừng trồng. Chính vì tỷ lệ khác nhau này cho nên chức năng cần bằng hệ sinh thái, tham gia bảo vệ môi trường của từng loại rừng có mức độ rất khác nhau.

Đã là rừng sản xuất, dù có dưới dạng gì đi nữa thì tuổi đời cũng không dài được. Đã sản xuất thì chức năng kinh tế được ưu tiên hàng đầu nên đến một lúc nào đó sẽ được (bị) khai thác. Chính vì vậy mà sự tồn tại của rừng tự nhiên, hay phòng hộ, hay rừng trồng là sự bổ sung cho nhau để hài hòa hai mục tiêu (cần bằng hệ sinh thái và chức năng kinh tế để đảm bảo sinh kế cho người dân).

Nhưng bây giờ, rừng tự nhiên cũng bị “nghèo”. Điều này có nghĩa chức năng quan trọng nhất của rừng tự nhiên là cân bằng hệ sinh thái cũng bị suy giảm. Số lượng mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thì trong hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% được liệt vào loại rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo.

Để làm cho rừng tự nhiên giàu lên không phải là dễ. Bởi những tác nhân làm cho rừng nghèo đi vẫn chưa được kiểm soát và có vẻ như nó được bổ sung thêm. Xin được kể một câu chuyện mà tôi đã từng được biết và trải nghiệm. Quê tôi có tên gọi là Cát Sơn (chỉ nghe tên gọi đã biết một vùng núi, nó giống như ở Thừa Thiên Huế có các xã: Phong Sơn của huyện Phong Điền, Phú Sơn của thị xã Hương Thủy vậy). Đây là một vùng tranh chấp khốc liệt trong chiến tranh nên buộc người dân phải sơ tán. Sau ngày đất nước thống nhất về lại quê hương, cái nơi mà gia đình tôi dựng nhà là sát gần rừng. Chỉ đi vài cây số đã gặp rừng tự nhiên bạt ngàn kéo từ chân đồi lên đỉnh núi. Làm nhà cũng lên đó lấy gỗ. Giờ sau mấy mươi năm về lại, trong tầm mắt chỉ thấy toàn rừng trồng. Theo một cách nói của người dân quê tôi: “Có ai đời bây giờ gỗ trắc mà mua bằng ký”. Hết làm được những vật dụng to thì họ đi tiện chân lồng chim, ly uống nước…

Ở Thừa Thiên Huế, cách đây gần 30 năm, khi mới đi làm, tôi có chuyến công tác lên xã Bình Điền (Hương Trà) vẫn còn nghe những câu chuyện khi hình thành vùng kinh tế mới, đây vẫn là nơi rừng thiêng nước độc, sốt rét kinh hồn…Giờ lên Bình Điền đã là một thị tứ. Nơi nào có đất người ta đã trồng rừng tràm, cao su… hết rồi.

Rừng tự nhiên đã nghèo đi thì nó giữ cho chính bản thân nó không nghèo thêm cũng khó. Trên truyền hình mấy ngày qua chúng ta từng chứng kiến những thước phim trên lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 (Quảng Nam) gỗ trôi về chật mặt nước. Chưa biết nguyên nhân vì đâu, nhưng không loại trừ nguyên nhân rừng đã thưa cây, khả năng chống chọi với nước lũ, sạt lở của chính bản thân rừng đã giảm!?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đề cập đến chuyện rừng tự nhiên nghèo, ông đã nói: “Điều này chúng ta phải có trách nhiệm…”. Không biết trách nhiệm cụ thể là như thế nào!?

Nguyên Lê