Các sản phẩm có nguồn gốc từ hoặc có liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp tại các nước sản xuất sẽ bị cấm kinh doanh tại Anh. Ảnh minh họa: TTXVN
Các công ty sẽ bị cấm bán các mặt hàng sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các hoạt động vi phạm luật pháp về bảo vệ rừng và môi trường tự nhiên ở các quốc gia mà chúng được sản xuất. Dự thảo luật này được ông Zac Goldsmith, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, đặt cho biệt danh là “thế giới trên hết”.
Khi Vương quốc Anh sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp quốc, được gọi là COP26, nước này hy vọng các biện pháp này sẽ khuyến khích các quốc gia khác hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ những cánh rừng mưa nhiệt đới.
Một cuộc tham vấn của chính phủ Vương quốc Anh về dự luật mới đã nhận được 60.000 phản hồi với 99% người dân đồng ý rằng dự luật cần được thông qua.
Hiện tại, rất khó để truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm như đậu nành, thịt bò, cọ và da. Gần đây, người ta đã phát hiện ra rằng 1/5 lượng đậu nành và thịt bò xuất khẩu từ Brazil sang EU được trồng trên các khu đất có được từ hoạt động phá rừng bất hợp pháp.
Dự luật mới kêu gọi các công ty tăng cường tính minh bạch và thực hiện “trách nhiệm giải trình” bằng cách kiểm tra xem các mặt hàng mà họ sản xuất có góp phần phá hủy môi trường bất hợp pháp hay không. Nhưng vẫn chưa rõ chính xác phương thức hiệu quả để các công ty chứng minh sản phẩm của họ không đến từ những nơi này.
Từ trước đến nay, loại thông tin về chuỗi cung ứng này không dễ tìm. Có những lo ngại rằng luật mới có thể tạo ra áp lực nhiều hơn đối với các nhà cung cấp ở các nước nghèo để giảm nạn phá rừng hơn là các công ty lớn của Anh mà luật này đang thực sự nhắm tới.
Là nước chủ nhà của COP26, Vương quốc Anh có áp lực phải thể hiện vai trò lãnh đạo quốc tế trong các vấn đề khí hậu. Chính phủ Anh thông tin rằng luật mới chỉ là một trong số những cách mà họ có kế hoạch để giải quyết nạn phá rừng trong tương lai.
Anh Tuấn (Lược dịch từ Euronews)