Tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa hạn chế thiệt hại do bão
Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công điện nêu rõ: Bão số 13 hiện nay mạnh hơn so với dự báo trước đây, hồi 7 giờ sáng nay (ngày 14/11/2020) sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ hôm nay (ngày 14/11) đến ngày 15/11/2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sau:
1. Đối với khu vực trên biển:
- Tiếp tục rà soát, yêu cầu tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển. Tổ chức, hướng dẫn neo đậu an toàn cho tàu thuyền; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển.
- Rà soát, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển, kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
2. Đối với trên đất liền và các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ:
- Tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cột tháp cao,... hạn chế thiệt hại do bão.
- Khẩn trương sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm (trong các nhà không an toàn, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét,...) đến nơi an toàn.
- Triển khai phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng quan trọng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân.
- Triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.
3. Các Bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin để người dân, chính quyền cơ sở biết, chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do bão, lũ.
5. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão bố trí lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
6. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chật chẽ diễn biến của bão; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão; tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương trọng điểm dự kiến bão đổ bộ để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo baochinhphu.vn