Những điều đó đã chi phối tôi, trong chuyến công tác về các xã ven đầm phá thuộc hai huyện Phong Điền, Quảng Điền ngày cuối tuần trước. Vẫn biết đó là một trong những hệ quả của mưa lũ và bèo tây theo con nước tràn về, song đôi khi sự nghi ngại về sự xâm lấn, như một vấn nạn vẫn cứ lơ lửng hoài trong ý nghĩ. Không hẳn là bất lực, song ở một góc độ nào đó, việc đổ bộ và chiếm chỗ của bèo tây đã cho thấy giới hạn của con người. Cũng có thể, phần nào đó thể hiện tính thiếu quyết liệt trong việc bảo vệ đất, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cơm ăn áo mặc của người dân.

Đã có không ít những đợt ra quân và tuyên chiến với bèo tây (hoặc trước đó nữa là cây mai dương). Hình ảnh các bạn trẻ trong đồng phục áo xanh đồng hành cùng người dân vớt bèo, tìm cách ngăn không cho chúng xâm nhập vào đồng ruộng từ sông, ao hồ, đầm phá… có những ngày tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhưng trước khi trở thành một giống loài mang đến hữu ích nếu được khai thác, tận dụng, sơ chế và chuyển hóa thành hàng thủ công mỹ nghệ, bèo tây xem ra vẫn ngoan cố khi cố thủ trên các dòng sông và làm chúng chậm chảy khi cố thủ trong các ao hồ và lì lợm sinh sôi. Có những hôm ngồi ở hàng hiên phía ngoài nhà hàng Cồn Tộc, chúng tôi đã nói với nhau về việc làm thế nào, có cách gì để có thể đẩy lùi được tốc độ lan quá nhanh ở vùng đầm phá. Đó là khi chúng tôi trông thấy người dân vất vả dầm mình dưới nước để dọn bèo. Là khi trông thấy những con thuyền khó nhọc tìm cách lách qua những mảng bèo ken chật…

Phải từ từ và bình tĩnh thôi là cách mà một người dân ở Hóa Châu đã nói về việc xử lý lũ bèo đang chiếm chỗ ruộng rau sau nhà của ông. Qua lũ, mọi người đã tốn rất nhiều công để sắp đặt, dọn dẹp, đẩy bùn ra khỏi nhà cửa, sân vườn, đường sá… và cố gắng vớt vát, khôi phục lại những gì có thể để đưa cuộc sống trở lại nhịp bình thường. Ít nhất thì đó cũng là cách mà nhà cửa, đường sá phong quang trở lại. Tôi cũng đã trả lời nhận xét của các nhân viên đến từ một dự án phi chính phủ khi đi khảo sát để chuẩn bị cho việc cứu trợ, khi họ nhận xét rằng, các khu vực dân cư, xóm làng ở Huế trông có vẻ ổn hơn rất nhiều so với địa phương bạn. “Nhưng  bèo vào cả ruộng vườn và nhiều đến thế kia thì phải làm gì chứ...?” đã trở thành câu hỏi lửng vì tôi không biết cách, cũng không tìm ra được câu trả lời.

“Vớt không nổi, xe cày không xuể” là câu trả lời các comment của bạn Phạm Ngọc Dũng. Tôi đã dừng lại ở trang facebook của Dũng, với hình ảnh một người đang điều khiển xe cày lật bèo trên một cánh đồng rộng đầy bèo. “Lũ, lụt về cuốn trôi hết tài sản, hoa màu, để lại hàng núi bèo hoa dâu; sau lũ bà con phải mất nhiều công sức xử lý bèo để sản xuất, nhưng vụ lúa đông xuân năm nay khả năng mất mùa vẫn cao, vì xác bèo sẽ làm đất xốp, cây lúa dễ ngã, hạt lép.” – Dũng viết.

Những ô ruộng xanh rì một cách bướng bỉnh ấy đã bám theo tôi trên đường về, như một áp lực.

YÊN MINH