Các lực lượng dọn bèo trên đê ven phá xã Quảng Thái (Quảng Điền)
Cần lực lượng và kinh phí
Dọc theo tuyến đường qua các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, thị trấn Sịa (Quảng Điền)… đến đâu cũng gặp cảnh bèo tây dày đặc trên khắp đồng ruộng. Lũ năm nào cũng dạt bèo vào ruộng, nhưng theo người dân, năm nay lượng bèo quá lớn.
Nông dân Trần Xuân Tú ở xã Quảng Thái nan giải: “Chưa bao giờ bèo tây lại tràn ngập đồng ruộng như các đợt lũ vừa rồi. Sau lũ, người dân, các lực lượng mới ra quân vớt bèo, khơi thông trên các tuyến đường, đê bao nội đồng phục vụ giao thông đi lại. Còn hầu hết lượng bèo trên đồng ruộng đến nay vẫn chưa thể xử lý vì quá lớn, mất nhiều công sức và kinh phí”.
Ông Tú cho rằng, trục vớt, xử lý bằng thủ công sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Nếu thuê máy cơ giới xử lý thì tốn nhiều chi phí, bình quân mỗi sào khoảng 500 ngàn đồng. Những hộ trồng vài sào đến 5-7 sào thì chi phí khá lớn. Trong khi đó, lũ lụt kéo dài khiến các hộ mất nguồn thu nhập, ngoài ra hoa màu, cây trồng, vật nuôi, nhà cửa còn bị thiệt hại nên gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống. Chi phí nạo vét, xử ký bèo trên đồng ruộng có thể đến vài triệu đồng trở lên nằm ngoài khả năng của người dân trong điều kiện bão lũ khắc nghiệt.
Hầu hết người dân đều có chung nguyện vọng, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, đoàn thể, hoặc hỗ trợ kinh phí để xử lý bèo. Vụ đông và đông - xuân đang cận kề nên bà con mong rằng sự hỗ trợ trục vớt bèo cần kịp thời, đảm bảo sản xuất đúng khung lịch mùa vụ.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Phạm Công Phước cho rằng, hơn 15 năm nay, chưa có lũ lớn để đẩy bèo ra khỏi vùng đầm phá. Vì vậy, bèo trên phá Tam Giang thuộc địa bàn Quảng Thái sinh sôi dày đặc trên một vùng rộng lớn với diện tích hơn 30ha. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khó khăn rất lớn đến hoạt động khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của bà con 2 chi hội nghề cá Lai Hà và Trung Làng.
Các trận lũ lớn mới đây là cơ hội đẩy bèo trôi ra biển, nhưng cũng chính là nguyên nhân khiến bèo tây trôi dạt vào đồng ruộng với số lượng rất lớn. Hầu hết các cánh đồng rau màu, ngô khoai và ruộng lúa đều phủ dày đặc bèo tây. Sắp đến, chính quyền địa phương huy động lực lượng, nông dân ra quân xử lý bèo. Tuy nhiên, địa phương cần sự hỗ trợ các lực lượng vũ trang giúp dân xử lý bèo một cách nhanh chóng, đỡ tốn chi phí đầu tư thuê máy móc.
Dùng bèo làm phân bón
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi chia sẻ, với điều kiện đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, lại bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ nên ngoài sự hỗ trợ lực lượng cần hỗ trợ kinh phí xử lý, trục vớt bèo một cách nhanh nhất. Số lượng bèo của từng đồng ruộng sau khi trục vớt, các hộ sử dụng ủ làm phân bón cho cây trồng. Chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn người dân các biện pháp ủ bèo làm phân hữu cơ, phân vi sinh bón ngô, khoai, hoa màu…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh thông tin, lâu nay trên các sông, đầm phá Tam Giang thuộc địa bàn huyện Quảng Điền chứa một lượng bèo dày đặc từ đầu nguồn đổ về và sinh sôi rất nhanh. Trong đó, tập trung lớn nhất tại vùng hạ nguồn sông Ô Lâu, vùng đầm phá; đợt lũ lớn vừa qua đã trôi dạt vào đồng ruộng, khu dân cư và trên nhiều tuyến đường.
Sau lũ, người dân đã vớt bèo, xử lý môi trường khu dân cư, các tuyến đê, đường sá phục vụ sản xuất, đi lại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một lượng lớn bèo trên khắp các đồng ruộng, nhiều nhất tại hai xã Quảng Lợi, Quảng Thái. Ngoài khả năng có thể của người dân, sắp đến ngành nông nghiệp cùng với các địa phương kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí thuê máy cơ giới xử lý bèo trên đồng ruộng. Các địa phương, ngành nông nghiệp vận động, hướng dẫn người dân ủ bèo làm phân bón cây trồng.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đắc Thọ thông tin, không riêng ở Quảng Điền, các đợt lũ lớn vừa qua khiến một lượng bèo rất lớn trôi dạt vào đồng ruộng tại các địa phương cuối hạ lưu các sông Hương, sông Bồ, Đại Giang, Ô Lâu… và một số địa phương ven sông trên địa bàn tỉnh. Dù gây khó khăn cho nông dân trong quá trình làm đất, sản xuất nhưng bèo trôi dạt vào đồng ruộng là cơ hội để trục vớt, xử lý một cách dễ dàng hơn khi bèo nằm trên sông, đầm phá.
Ông Hồ Đắc Thọ kiến nghị, các địa phương, người dân cần có biện pháp xử lý bèo trên đồng ruộng triệt để, kịp thời, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông và đông xuân đúng khung lịch mùa vụ. Các cấp, ban ngành cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí xử lý bèo trên đồng ruộng và các loại thuốc, vi sinh để ủ bèo làm phân bón phục vụ sản xuất vụ đông-xuân sắp đến.
Bài, ảnh: Hoàng Thế