Bằng chứng là Nghị quyết 62 của Quốc hội về thủy điện từ năm 2013 đã yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch hơn 420 dự án thủy điện nhỏ và hàng trăm dự án khác dưới các dạng: dừng tạm thời có thời hạn, xem xét không đưa vào quy hoạch, đánh giá lại (theo TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều phối mạng lưới sông ngòi Việt Nam, trả lời Tuổi trẻ online).

Từ đó đến nay đã 7 năm, có vẻ như tình hình xem xét thủy điện nhỏ chưa được quan tâm thấu đáo. Bằng chứng là mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa cho biết, sắp tới sẽ tham mưu cho Chính phủ loại bỏ hơn 470 thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch và hơn 200 cái nữa nếu muốn làm cũng phải được xem xét kỹ lưỡng.

Thủy điện nhỏ được làm bằng vốn của nhà đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư tư nhân “mê” thủy điện nhỏ là do vốn đầu tư ít nhưng sinh lãi lớn - Theo TS. Đào Trọng Tứ. Nhưng cái lời ở đây là chưa tính đúng, tính đủ chi phí và sự đánh đổi thiệt hơn. Ví dụ như đánh đổi về môi trường là như thế nào, tác hại đến dòng chảy của các dòng sông ra sao; tác hại đối với hạ du mỗi khi lũ về nhiều hay ít…

Giả sử như nếu tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí, thủy điện nhỏ sẽ không có lời nữa, thì cái lời mà chủ đầu tư thủy điện nhỏ hiện đang nhận được ở đâu ra!? Tất nhiên là từ bên chịu thiệt. Đất đai được cấp làm thủy điện không tính đúng, tình đủ thì nhà nước chịu thiệt. Môi trường bị ảnh hưởng, rừng tự nhiên bị mất là xã hội chịu thiệt. Ở hạ du, nếu có bị ảnh hưởng (ví như việc xả lũ không vận hành tốt, gặp lúc triều cường gây ngập lụt, chẳng hạn) thì người dân ở vùng ngập lụt chịu thiệt…

Nếu như một bài toán kinh tế thông thường thì chúng ta rất dễ tính toán được chi phí đầu vào đầu ra, biên lợi nhuận. Đối với thủy điện, rất nhiều chi phí, tạm gọi là “vô hình”, không dễ tính toán được, chẳng hạn làm sao lượng hóa được mức độ ảnh hưởng đến môi trường là bao nhiêu; các đập thủy điện ngăn dòng chảy thì tác động dòng chảy của các con sông sẽ như thế nào. Tính đa dạng loài thủy sản ra sao, rồi phù sa cung cấp cho các đồng bằng ở vùng hạ lưu… quả là một bài toán không dễ có lời giải!?

Khi bài toán kinh tế không thể giải một cách thấu đáo thì những quyết định có khi cũng dễ dẫn đến những sai lầm! Nhà đầu tư thì mong muốn thu được lợi nhuận, càng nhiều càng tốt; trên bình diện quốc gia thì muốn khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên, cung cấp nguồn điện cho phát triển kinh tế… Như vậy, ai sẽ là người đóng vai trò “cầm cân nảy mực”? Có lẽ, lúc này vị trọng tài công minh nhất sẽ trao vào tay một hội đồng khoa học đủ sức gánh vác việc đánh giá chuẩn xác cho việc xây dựng các thủy điện nhỏ, cái nào nên làm và cái nào không.

Nguyên Lê