Nếu thủy điện vận hành xả lũ không tốt thì người dân ở vùng hạ du chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: Đình Thắng 

Chúng ta đã quen với hình ảnh thân thương là những đoàn xe tải với đủ các biển số khác nhau chở hàng về cứu trợ miền Trung.

Thế mà Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (tại huyện Nam Đông) lại tích nước trái phép. Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam là chủ đầu tư công trình này.

Quy trình vận hành nhà máy thủy điện đã có. Thông tin báo chí cho biết, nhà máy này đã từng vi phạm quy trình tích nước, cụ thể là vào tháng 10/2020  vừa qua.

Thế thì bây giờ xử lý thế nào? Xử lý theo cái cách “không mua điện” có vẻ như là không ổn. Bởi, cho làm thủy điện cũng một phần vì nhu cầu điện của quốc gia. Nói rộng ra là nhu cầu của nền kinh tế. Thiển nghĩ, vấn đề ở đây là phải kiên quyết xử lý theo luật chứ không phải là chuyện “tẩy chay”.

Nên cho chủ đầu tư biết rằng, đối với thủy điện, chuyện vận hành đúng quy trình, quy định là chuyện khoa học, là an ninh, an toàn tính mạng của con người, yên ổn đời sống xã hội…, chứ không đơn thuần là chuyện vi phạm luật, khi bị phát hiện thì nộp phạt là xong.

Thú thật, nếu đặt trong bối cảnh người dân miền Trung trong thời gian căng mình với thiên tai vừa qua, thì việc Nhà máy thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép, chưa nói đến chuyện luật, chỉ nói về cách ứng xử đã thấy phản cảm. Động cơ tích nước trái phép trước hết cho chúng ta biết có thể là vì động cơ lợi nhuận. Ai là người có trách nhiệm chỉ đạo tích nước trái phép phải cần được làm rõ.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực điện, an toàn đập thủy điện đã có. Cụ thể là Nghị định số 134/2013/NĐ- CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét và xử lý hành vi vi phạm của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật nghiêm khắc theo quy định.

Nguyên Lê