Khi thấy tôi và Bình kết bạn với nhau trên facebook, Quang cười cười: “Chị coi chừng ảnh nhen. Ảnh nói văng mạng linh tinh trên facebook lắm đó!”. Bình lúc đó cũng cười: “Tụi nó gọi em là Bình cà khịa. Chị coi chừng nha chị”…

Bạn doanh nhân trẻ này đến từ TP. Hồ Chí Minh, nhưng cùng quê với sắp nhỏ nhà tôi. Tôi chú ý, không phải vì nick name rất “nặng giá” của Bình mà từ việc Bình góp ý với một bạn trẻ hơn, sau chuyến ra thăm và tặng món quà nhỏ cho vợ con liệt sĩ Nguyễn Văn Bình về cái việc đã cười hơi to. “Chị ấy còn thất thần lắm. Anh thấy em vầy là không được. Có quen biết đi nữa thì cũng không được vậy!”. Cuộc trò chuyện trong khoảng thời gian ngắn ngủi trên đường đi và trước giờ bay làm tôi bắt đầu có ấn tượng. Là cách Bình cùng những người trong nhóm lặn lội ra Huế, lên Khe Sanh (Quảng Trị) và vào tận một số làng xã để khảo sát xem, sau ba chuyến hỗ trợ cấp thời để giải quyết khó khăn sau bão lũ, điều người dân cần nhất để tái thiết cuộc sống là gì!

Hôm qua, khi lướt mạng, tôi gặp Bình trong một cuộc trò chuyện trên kênh truyền hình QPVN. Qua cách trả lời MC, tôi nhận ra Bình thật khác, dễ thương quá chừng khi trao đổi về cách làm thiện nguyện như thế nào có hiệu quả nhất cho người dân. “Sau những chuyến đi hỗ trợ ban đầu, tôi luôn nghĩ đến một điều xa hơn là làm thế nào để giúp người dân gầy dựng lại cuộc sống, trên cơ sở phù hợp với phong tục, tập quán, thổ nhưỡng và nhất là mong muốn của bà con – Bình chia sẻ - Có thể hôm nay chỉ có bao thóc giống, vài chục gà giống, nhưng ít lâu sau khi trở lại, lúa đã xanh trên đồng và đàn gà của bà con đã thành 100, 200 con chẳng hạn. Đó là cách làm tốt nhất để bà con tự đứng lên, tự chăm chút và phát triển bằng nguồn lực tại chỗ…”. Từ cách làm của mình và cả nhóm, bạn doanh nhân trẻ tự tin khi cho rằng, “có thể trước tôi, người ta chưa biết, nhưng sau tôi, người ta sẽ làm”. Đó không chỉ là nhìn nhận, mà là cách đặt vấn đề.

Trả lời một câu hỏi khác, Bình cho hay, không sợ điều tiếng thị phi, miễn là làm được những điều tử tế và vì thế, tại sao mình lại sợ những điều không tử tế xung quanh? Bình làm tôi thú vị khi nói, nếu mình làm được những điều nhân ái, năng lực tích cực sẽ tăng lên.

Tôi nhớ vẻ mặt Bình khi kể về lúc những em bé của Trường tiểu học Pa Nho (Quảng Trị) hào hứng ngồi lên những chiếc bàn mới trong căn phòng vừa được dọn sạch vết tích của lũ, bùn. Nhớ cách Bình kể về những cụ già tay run run nhận thùng gà giống kêu liếp chiếp ở Hương Xuân (Hương Trà) với đôi mắt ấm. “Được trao đi, tôi thấy mình hạnh phúc hơn cả những người nhận lại”. Tôi tin niềm hạnh phúc ấy, sẽ còn được Bình tiếp tục, như một cách chọn để đồng hành để yêu thương với cuộc đời. Thế nên tôi thấy, Bình chẳng hề “cà khịa” chút nào…

Yên Minh