Gói kích thích này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đặc biệt sẽ tập trung hỗ trợ một số ngành như du lịch, hàng không và tiêu dùng.

Máy bay cũa hãng hàng không Vietnam Airlines. Ảnh minh họa

Tháo gỡ khó khăn cho hàng không, du lịch

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, một trong những chính sách mới nổi bật được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không; nghiên cứu cơ chế cho Tổng Công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không. Trong trường hợp này, cho phép thực hiện quy chế đặc thù để đảm bảo tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Tác động của chính sách này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp hàng không, tránh việc các doanh nghiệp này phải tuyên bố phá sản, gây ra tác động bất ổn cho kinh tế - xã hội. Nguồn lực này ước tính khoảng 11 nghìn tỷ đồng là các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh dành cho các doanh nghiệp hàng không.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều quốc gia đã ban hành các gói hỗ trợ dành riêng cho ngành hàng không. Mỹ ban hành gói hỗ trợ 58 tỷ USD; Đức dành 9 tỷ euro mua cổ phần của Lufthansa để tránh việc hãng này phá sản hoặc bị thâu tóm, bảo vệ hàng ngàn lao động khỏi thất nghiệp…

Bên cạnh hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm. Chính sách này nhằm tạo dòng tiền vào, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Khoản tiền ký quỹ từ 100 đến 500 triệu đồng (tùy thuộc loại hình kinh doanh) nằm ở các ngân hàng thương mại và được hoàn trả khi chấm dứt kinh doanh dịch vụ lữ hành. Do đó giảm tiền ký quỹ không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.

Theo số liệu sơ bộ, hiện tại có 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hơn 500 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa năm 2019. Nếu được đưa vào thực thi, chính sách này sẽ ngay lập tức tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Đồng thời, chính sách này không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 thêm 5 tháng.

Giảm thuế bảo vệ môi trường

Tại gói kích thích kinh tế lần 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay với mức giảm sâu hơn so với lần 1.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian thực hiện giảm thuế từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Trước đó, năm 2020 đã thực hiện giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 31/12/2020 theo Nghị quyết 979. Chính sách này cũng sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền cho các doanh nghiệp hàng không đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giảm thuế có thể khiến thu ngân sách nhà nước sụt giảm khoảng 2,46 nghìn tỷ đồng (bao gồm giảm số thu thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế bảo vệ môi trường có tác dụng hạn chế sản phẩm không có lợi cho môi trường, giúp tính đủ các chi phí ngoại ứng tác động đến môi trường do việc sử dụng nhiên liệu bay. Do vậy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay có thể tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Giảm thuế suất giá trị gia tăng

Cùng với những đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nghiên cứu và đề xuất giảm thuế suất giá trị gia tăng đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng có tác dụng giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ và có lợi đối với người tiêu dùng, từ đó có thể kích thích mua sắm, kích cầu nền kinh tế. Ước tính việc giảm 1% thuế giá trị gia tăng có thể kích thích tăng tiêu dùng cuối cùng tương đương 0,2% GDP.

“Tuy nhiên, chính sách này có thể tác động mạnh tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, dự kiến việc triển khai tổ chức thực hiện khó khăn vì thuế giá trị gia tăng áp dụng cho cả các mặt hàng nhập khẩu. Nếu chỉ áp dụng đối với hàng hóa trong nước thì có thể sẽ vi phạm các nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Bộ này cũng đề xuất phiếu chiết khấu, khuyến mãi với dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống áp dụng cho các cơ sở dịch vụ du lịch, lưu trú và các nhà hàng để giảm chi phí vận chuyển hành khách, lưu trú và ăn uống nhằm thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm trong ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Phiếu chiết khấu, khuyến mại sẽ áp dụng đối với các hóa đơn vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường bộ…), hóa đơn lưu trú khách sạn và ăn uống tại nhà hàng. Tùy thuộc vào mặt hàng phiếu sẽ có tỷ lệ chiết khấu khác nhau và có thời hạn sử dụng nhất định.

Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Cùng với những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất chính sách mới hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động dễ bị tổn thương (vừa mất việc và vừa nuôi con nhỏ).

Theo đó, đối tượng sẽ được hỗ trợ là người lao động đang thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; nghỉ việc không hưởng lương.

Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người (hộ gia đình)/tháng hoặc 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 3.600 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ tháng 11/2020 đến hết tháng 1/2021.

Cần những giải pháp kịp thời

Để thích ứng với đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, linh hoạt tìm hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, áp dụng các biện pháp tạm thời như: cắt giảm lao động; cho lao động nghỉ việc không lương; giãn việc, nghỉ luân phiên; giảm lương của người lao động.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trước mắt chúng ta cần thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, sử dụng ngân sách Nhà nước cấp tiền hoặc cho vay ưu đãi để các doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn. Các bộ, ngành rà soát lại các quy định, điều kiện, nới lỏng các yêu cầu về điều kiện thụ hưởng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần đổi mới triển khai cũng như xoá bỏ các quy định cồng kềnh để doanh nghiệp có thể thụ hưởng chương trình hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói hỗ trợ tín dụng, chấp nhận thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót để hỗ trợ thực sự đến được những doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Khi nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, chính sách tài khóa cần chuyển hướng sang hỗ trợ có trọng tâm để bảo vệ các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, hỗ trợ tạo động lực cơ cấu lại nền kinh tế.

Chính phủ cần hỗ trợ đầu tư trong nước hiệu quả hơn và hỗ trợ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc để tranh thủ được xu hướng chuyển dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài do đại dịch tạo ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí; linh hoạt thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng; khẩn trương có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào…

Theo TTXVN