Cô Nguyễn Thị Yến chăm sóc trẻ mầm non ở Hương Bình

Năm 1996, mầm non là một cấp học chưa được chú trọng ở Hương Bình. Trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp, chỉ là một dãy nhà tranh tre, mái nứa tạm bợ với vài ba lớp học, điều kiện vật chất vẫn còn thiếu thốn nhiều mặt. Giáo viên được phân công, nhiều người ngại khó, ngại khổ nên không ai muốn chọn Hương Bình.

Đến về nghề giáo viên mầm non đối với Nguyễn Thị Yến là duyên phận. Cô kể, học xong lớp 9, cô ở nhà phụ giúp bố mẹ, rồi sau đó lấy chồng và sinh con. Bất ngờ cô hiệu trưởng của Trường mầm non Hương Bình ngày ấy ngỏ lời, muốn tôi ra lớp giữ trẻ. Không ngần ngại, cô đã nhận lời ngay, bởi từ lâu cô đã yêu thích công việc này. Thế nhưng 25 tuổi, là mẹ của hai con, nên cô cũng lo lắm, nhất là vấn đề chuyên môn. Tuy nhiên, cô hiệu trưởng trấn an, tiêu chí đặt ra là chỉ cần có kinh nghiệm và lòng yêu trẻ. Vậy là, chỉ sau một tháng về Huế học nghiệp vụ, cô Yến bén duyên với nghề cô nuôi dạy trẻ từ đó.

Những ngày đầu nhận lớp khó khăn tứ bề. Cơ sở thiếu thốn đã đành, mà trẻ em cũng không được bố mẹ đưa đến lớp. Bởi lẽ, phụ huynh ở Hương Bình chủ yếu sống dựa vào nghề làm rừng, đi sớm về muộn, nên thường để con ở nhà lui thủi một mình. Sau những giờ lên lớp, cô Yến cùng một số giáo viên đồng nghiệp phải đến tận nhà vận động phụ huynh. “Mưa dầm thấm lâu”, khó khăn và bỡ ngỡ rồi cũng dần xa, sau một thời gian ngắn các em ở độ tuổi mầm non đã có được thói quen đến trường.

Không giống ở thành phố hay vùng đồng bằng, công việc của cô Yến bắt đầu từ 6h30 sáng khi phụ huynh muốn gửi con sớm để vào rừng. Cuối ngày, nhiều cháu phải về muộn do phụ huynh đi làm xa không thể đón con đúng giờ. Kể lại một ngày làm việc, phải đi sớm về muộn, cô giáo Yến dí dỏm khi bảo rằng, mình thật đa nghề. Này nhé, vừa là ca sĩ khi suốt ngày múa hát với cháu. Đôi khi trở thành “bác sĩ” khi phải hiểu căn bản nhất về các bệnh thường gặp của trẻ, cách phòng ngừa và điều trị. Và còn là chuyên gia tâm lý của trẻ nữa khi phải nắm bắt đặc điểm của từng cháu để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Đến Trường mầm non Hương Bình, nhìn các bức tranh vẽ, xé dán, những hình ảnh ở các góc chơi và trang trí lớp sinh động mới thấy tâm huyết của giáo viên nơi đây. Không chỉ say mê và tâm huyết với nghề, cô Yến còn rất khéo tay và sáng tạo khi xây dựng được một môi trường học tập hấp dẫn, sáng tạo dành cho trẻ. Cô tự làm theo 18 danh mục để tham gia hội thi “Tự làm đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học cho trẻ 5 tuổi” và đã đạt nhiều giải cao. Cô Yến kể, “tôi cứ như người thu mua đồng nát, ra đường thấy đồ phế liệu, phế thải có thể tận dụng được là nhặt nhạnh mang về, rửa sạch để làm đồ chơi cho con trẻ. Nhiều lúc các bé học theo chủ đề và chủ điểm, tôi đã vận động cả chồng, con cùng làm nhiều loại đồ chơi để tiết học thêm sinh động”.

Cô Yến được Ban giám hiệu Trường mầm non Hương Bình chọn là nòng cốt để nhân rộng trong toàn trường về thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, phát huy vai trò “lấy trẻ làm trung tâm” cho mọi hoạt động. Đối với cô Yến, việc dạy dỗ ở cấp mầm non không đơn giản là trông chừng trẻ để cha mẹ bé có thời gian đi làm mà còn góp phần đem lại những giây phút vui tươi, thư giãn và bồi đắp tâm hồn, nhân cách cho trẻ.

Thật bất ngờ khi tôi được biết, cô giáo Nguyễn Thị Yến đã sưu tầm, vận dụng và chuyển thể 12 làn điệu dân ca địa phương góp phần vào phong trào sáng tác lời mới cho trẻ; sưu tầm 40 trò chơi dân gian, làm nhiều đồ dùng đồ chơi phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. Trong quá trình giảng dạy, từ tiết học hoạt động làm quen với toán hoạt động thể chất, đến tổ chức các hoạt động vui chơi… cô luôn đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi ý cách chơi theo trình tự hợp lý, còn trẻ sẽ là người thực hiện, tự khám phá, trải nghiệm theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Qua đó, không chỉ thu hút các em vào các hoạt động một cách tự nhiên, mà còn giúp bộc lộ tối đa khả năng, năng khiếu của bản thân.

Cô giáo Lưu Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Bình cho biết: Cô Yến là giáo viên giàu kinh nghiệm về thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục - phát huy vai trò “lấy trẻ làm trung tâm”. Trong quá trình giảng dạy, cô đã đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm phát huy tính tích cực của trẻ, hình thành ở trẻ các phẩm chất mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, thân thiện với mọi người xung quanh, lễ phép trong giao tiếp và hình thành những kỹ năng cần thiết cho trẻ. Cô Yến là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp học tập và noi theo về lòng nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ và quyết tâm vững vàng trong cuộc sống.

25 năm gắn bó với trẻ, cô Yến đã trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc của nghề “làm dâu trăm họ” này. Cô tâm sự: Làm giáo viên mầm non trước tiên phải yêu nghề, yêu trẻ, phải có cái tâm và trách nhiệm, phải tận tụy với công việc và không ngại khó, ngại khổ. Cô Yến cho rằng, mình rất hạnh phúc khi được làm nghề dạy trẻ và dù có chọn lại thì cô vẫn chọn nghề này.

Bài, ảnh: Huế Thu