Tuần tra bảo vệ rừng ở Phong Điền

Nhìn từ A Tin

Ông Hồ Đức Kiệu, Trưởng Ban Quản lý Rừng cộng đồng (RCĐ) thôn A Tin, xã Thượng Nhật (Nam Đông) lo lắng trước nạn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Đây chính là nguyên nhân mất dần tài nguyên rừng tự nhiên quý giá với vai trò quan trọng bảo vệ môi trường sống cho muôn loài.

Thôn A Tin có 103 hộ với 404 nhân khẩu, có đến 98,87% đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Chăn nuôi, trồng trọt không đủ sống, người dân phải lấn chiếm rừng, vào rừng đốn cây lấy củi bán, săn bắt động vật hoang dã.

Một thời gian dài hầu như người dân “đứng ngoài cuộc”, mặc cho nạn phá rừng hiển hiện ngay trước mắt họ. Năm 2013, huyện Nam Đông giao cho cộng đồng thôn A Tin quản lý, bảo vệ gần 286ha rừng tự nhiên, tại khoảnh 6 và 7 thuộc tiểu khu 423 với ba loại rừng giàu, trung bình và nghèo. Công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) từ đó từng bước được người dân quan tâm.

Phát huy hiệu quả BVR từ cộng đồng, cách đây một năm, thôn A Tin tiên phong, tự nguyện đăng ký mô hình điểm (toàn tỉnh) về xây dựng phương án QLR bền vững và quy ước QLBVR. Đây cũng là chủ trương của tỉnh trong QLBVR, phát triển rừng bền vững.

Từ các cuộc họp dân, thông tin tuyên truyền vai trò của rừng đối với sự sống con người, cộng đồng thôn A Tin từng bước ý thức, nâng cao trách nhiệm trong QLBVR. Nhiều hộ tự nguyện bỏ nghề khai thác lâm sản trái phép, chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt, nuôi cá...

Quy ước bảo vệ RCĐ thôn A Tin nêu rõ, người dân có trách nhiệm quản lý, giám sát lẫn nhau, khi phát hiện các đối tượng trong thôn và lâm tặc chặt phá rừng phải báo lên thôn, xã, ngành kiểm lâm.

Tùy theo mức độ vi phạm của các đối tượng làm tổn hại đến rừng tự nhiên, thôn có hình phạt thích đáng theo quy ước của cộng đồng và báo lên các cấp có biện pháp xử lý.

Những người khỏe mạnh của thôn có nhiệm vụ tuần tra, phối hợp và tư vấn cho các dự án, cơ quan chức năng BVR phục hồi, các loài cây tái sinh quý như kiền kiền, lim, chò, gõ…; các loài cây lâm sản ngoài gỗ mà người dân đang thu hoạch.

Các già làng có uy tín, người có kinh nghiệm có trách nhiệm giới thiệu các cây dược liệu quý làm thuốc chữa bệnh; những nơi được cộng đồng chọn rừng thiêng, rừng tâm linh của đồng bào, các điểm nóng có nguy cơ chặt phá, lấn chiếm rừng…; từ đó, đề xuất cấp trên có biện pháp QLBVR phù hợp.

Cộng đồng thôn A Tin cũng như nhiều cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Đông được hỗ trợ mô hình trồng mây nước dưới tán rừng tự nhiên và một số cây lâm sản ngoài gỗ. Từ nguồn thu nhập mỗi tháng 4-5 triệu đồng/hộ từ thu hoạch mây nước, từng bước ổn định cuộc sống, người dân bỏ hẳn tập quán sinh sống dựa vào rừng, ý thức cao hơn trong QLBVR.

Trồng hơn 100 ha cây lâm sản ngoài gỗ

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Lê Thanh Hồ thông tin, qua 4 năm thực hiện chủ trương của tỉnh, Nam Đông đã giao hơn 6,5 ngàn ha rừng tự nhiên cho 30 cộng đồng, 30 nhóm hộ và 81 hộ cá nhân QLBVR. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng, nhóm hộ, cá nhân chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu sinh sống cạnh rừng, ven rừng.

Người dân gắn bó với rừng qua bao thế hệ, rừng được xem một phần quan trọng trong đời sống nên ý thức, trách nhiệm BVR ngày càng cao. Chính sách giao đất, giao rừng thật sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông thôn; huy động nguồn lực, nhân lực của cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể, cơ quan Nhà nước… phối hợp tham gia QLBVR một cách hiệu quả.

Trên địa bàn Nam Đông có 4 cộng đồng được hỗ trợ sinh kế từ dự án, mô hình trồng mây nước với diện tích gần 70ha; chủ yếu tập trung tại các xã Thượng Quảng, Thượng Lộ, Thượng Nhật. Các địa phương còn được hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động QLBVR từ các dự án, dịch vụ môi trường rừng. Từ đó phát huy hiệu quả, trách nhiệm QLBVR tự nhiên.

Theo ông Lê Thanh Hồ, sau một năm triển khai quy quy ước quản lý RCĐ, hầu hết các hộ bỏ hẳn nghề khai thác lâm sản tự nhiên. Số vụ vi phạm khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã tại khu rừng do các cộng đồng trên địa bàn huyện quản lý giảm đáng kể (giảm 5-6 vụ so với cùng kỳ năm trước). Đây không chỉ là biện pháp QLBVR hiệu quả mà còn tạo cơ hội cho rừng tự nhiên tái sinh, động vật hoang dã sinh sôi.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, giao rừng cho cộng đồng QLBV kết hợp xây dựng quy ước, phương án quản quản lý bền vững là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong QLBVR, phát triển rừng bền vững. Sau một năm triển khai quy chế quản lý RCĐ trên địa bàn tỉnh, các dự án hỗ trợ trồng 107,8 ha cây lâm sản ngoài gỗ, gồm mây nước, ba kích tím, thiên niên kiện, tập trung ở các huyện Nam Đông, Phong Điền, A Lưới, TX. Hương Trà…

Năm 2019 đến nay, ngành kiểm lâm thành lập mới và kiện toàn 82 ban quản lý, 78 ban giám sát và các tổ đội quản lý RCĐ; xây dựng và thông qua quy ước QLBVR của các cộng đồng. Các ban quản lý, tổ đội tiến hành tuần tra rừng bình quân 2 lần/tháng tại diện tích rừng được giao… Năm 2021, ngành kiểm lâm tiếp tục đầu tư gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động quản lý RCĐ trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều