Đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đợt dịch thứ nhất vừa tạm  lắng thì đợt dịch thứ 2 lại tái bùng phát khiến các doanh nghiệp khó gượng dậy. Sản xuất đình đốn, giao thông ngưng trệ, xuất nhập khẩu hàng hóa bị thắt chặt, người lao động mất việc làm… là những gì hiện hữu, thách thức nền kinh tế toàn cầu nói chung, từng doanh nghiệp nói riêng. Trong đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ là điều các doanh nghiệp đều đối diện, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.

Chưa hết, thiên tai, bão lụt dồn dập những tháng cuối năm như một đòn bồi tiếp khiến quá trình khôi phục kinh tế của nước ta vốn khó càng thêm khó.

Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA bắt đầu có hiệu lực và nay là RCEP… đã góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, bất chấp những ảnh hưởng khó khăn từ dịch bệnh. Việt Nam là điểm sáng khi là nước duy nhất của khối ASEAN có mức tăng trưởng kinh tế dương.

Riêng với RCEP gồm 10 nước ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN có hiệp định thương mại tự do, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand và Australia đã tạo ra khu vực tự do có quy mô lớn nhất về GDP, tương đương gần 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu và thị trường tiêu dùng với 2,2 tỷ người. Hiệp định là cơ hội lớn giúp doanh nghiệp định hình lại và khai thác tốt hơn vị thế mới, xây dựng vị trí của Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, tạo sự bứt phá cho nước ta trong thời gian tới.

Cơ hội là vậy, nhưng để tận dụng được cơ hội, biến nó thành lợi thế phát triển, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Nhà nước và từng địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần chủ động vào cuộc. Trước tiên là chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường đối tác quan tâm và xác định những lợi thế doanh nghiệp có thể tận dụng được.

Với Thừa Thiên Huế, một số ngành hàng có nhiều lợi thế, tiềm năng trong xuất khẩu lẫn thu hút đầu tư, như ngành dệt may với việc thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may; ngành chế biến gỗ xuất khẩu với việc nâng cao giá trị sản phẩm đồ gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng; dịch vụ logistics, công nghệ thông tin…Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận các nguồn vốn đầu tư lớn mà còn được chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Từ đó giúp các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nước ta nói chung tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao giá trị và chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.

Để đón đầu cơ hội, điều không kém phần quan trọng là việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn và tư duy sáng tạo. Đây là việc cần đi trước một bước chứ không đợi “nước đến chân mới nhảy”, nếu không chính người lao động sẽ bị mất cơ hội việc làm ngay trên sân nhà.

Hoàng Minh