Người có vết xước tay chân gia tăng rủi ro nhiễm bệnh. Ảnh tư liệu

Bệnh Whitmore (hay còn được gọi là Melioidosis), do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này được tìm thấy trong nước bẩn, đất bị ô nhiễm, lây sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp. Tại Việt Nam, Melioidosis được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội và Huế. Whitmore thường gặp nhất vào mùa mưa, chiếm khoảng 75-81% ca bệnh và đây được xem là loại bệnh truyền nhiễm cơ hội. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei nguy hiểm đến mức được coi là tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học.

Whitmore có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể độ tuổi hay giới tính và gặp nhiều hơn ở những người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước bị nhiễm khuẩn. Đối với trẻ em, ngoài những nguy cơ nhiễm khuẩn do tiếp xúc với nguồn đất, nước bị ô nhiễm, còn có trường hợp ghi nhận nhiễm bệnh qua nguồn sữa mẹ. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây viêm nhiễm ở hệ hô hấp, thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, nhiễm trùng da và viêm nhiễm đường sinh dục… Thời gian ủ bệnh có thể từ 1-21 ngày, thậm chí kéo dài trong nhiều tháng.

Triệu chứng phổ biến nhất của Whitmore là viêm phổi, từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức các cơ bắp. Nhiễm khuẩn huyết cũng là một thể bệnh thường gặp của Whitmore. Ở thể này, bệnh nhân dễ chuyển sang trạng thái sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, gây tử vong. Nhóm người có nguy cơ dễ mắc bệnh Whitmore hơn được xác định là: bệnh nhân bệnh đái tháo đường (23-60%), người nghiện rượu (12-39%), người bị bệnh phổi mạn tính (12-27%), người bị bệnh thận mạn tính (10-27%)… Ở trẻ em, biểu hiện lâm sàng có thể khác người lớn. Thể bệnh viêm phổi và nhiễm trùng huyết có thể xảy ra nhưng không thường xuyên. Nhưng ngược lại, dễ gặp nhất là các tổn thương da, niêm mạc và áp-xe tuyến mang tai.

Theo ThS. BS CKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đã có trường hợp sản phụ sinh con hoàn toàn không có tiếp xúc với bùn đất bẩn trước khi nhập viện, nhưng vẫn phát hiện có Whitmore trong cơ thể. Trường hợp sản phụ này sinh con thường, bị nhiễm trùng vết cắt tầng sinh môn điều trị không đáp ứng. Sau khi loại trừ các khả năng tiếp xúc với bùn đất, bệnh nhân được nghi ngờ nhiễm bệnh hít phải vi khuẩn Burkholderia pseudomallei qua bụi bẩn, do sống gần chợ. Điều đó cho thấy, phải đề cao sự cảnh giác đối với loại nhiễm khuẩn này vì hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhất là đối với những người bị suy giảm miễn dịch.

Với gần 30 ca bệnh Whitmore được ghi nhận tại Bệnh viện Trung ương Huế trong 2 tháng trở lại đây, TS. Mai Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vi sinh nhấn mạnh: Bệnh Whitmore hoàn toàn có liên quan đến mùa mưa lũ và tình trạng ngập lụt. Burkholderia pseudomallei có trong bùn đất, nước bẩn và tình trạng lũ lụt khiến bùn đất bị khuấy động, khuếch tán vi khuẩn rộng rãi trong môi trường nên nguy cơ người dân vùng ngập lụt nhiễm bệnh càng cao hơn. Y văn cũng đã xác định, con đường để Burkholderia pseudomallei đầu tiên và chủ yếu nhất vẫn là con đường xâm nhập vào vùng da bị trầy xước. Do vậy, khuyến cáo người dân đặc biệt lưu ý, hạn chế tiếp xúc với đất và nước bẩn khi không cần thiết. Nếu có bị tổn thương thì tuyệt đối không chủ quan.

Mùa mưa với tình trạng ngập lụt đang khiến cuộc sống của người dân vùng thấp trũng bị ảnh hưởng và tiềm ẩm nhiều rủi ro. Để phòng ngừa bệnh Whitmore, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế khuyến cáo người có vết thương ngoài da và những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính có nguy cơ mắc bệnh Melioidosis và nên tránh tiếp xúc với đất và vũng nước đọng. Người dân mang ủng khi lội vùng nước ngập, ngừa nhiễm trùng qua chân. Các nhân viên y tế nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa qua đường tiếp xúc để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Đặc biệt, đối với người bệnh không may bị mắc bệnh Whitmore thì phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của các bác sĩ, ngay cả khi đã được cho xuất viện và theo dõi về sau.

ĐỒNG VĂN