Cam sành

Chất Limonoid trong cam cũng giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và có tác dụng giải độc, lợi tiểu. Những người thường ăn cam, hoặc các loại trái có họ hàng với cam như quýt, bưởi, chanh... có tỉ lệ nhiễm các bệnh ung thư (phổi và dạ dày) khá thấp. Tuy nhiên những người hay bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn nhiều cam.

Nước cam chứa nhiều canxi và vitamin hơn cả các sản phẩm từ sữa. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Đại học Texas A&M (Mỹ) cho thấy thường xuyên uống nước cam và nước bưởi có thể giúp ngăn ngừa loãng xương và các chứng bệnh khác.

Chất canxi tập trung nhiều trong vỏ cam. Vỏ cam còn có tác dụng chữa bệnh ho có đàm và giã rượu rất hiệu quả. Để tận dụng được tối đa lượng canxi có trong vỏ cam, nên ăn thêm vỏ cam cùng với nước cam hoặc cam cắt miếng.
 

Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh liên quan đến hệ tim mạch, hãy ăn cam, bưởi, quýt, chanh mỗi ngày, bạn sẽ có cơ hội phòng tránh được các thứ bệnh nguy hiểm đó. Các loại trái trên rất giàu các hợp chất có tác dụng giảm tới 20 - 25% cholesterol xấu trong máu.

Cam sành Vĩnh Long
Có nhiều loại cam. Ở miền Bắc nước ta nổi tiếng nhất là cam Bố Hạ “Tháng chạp mùa cam lửa đốm vườn” (Quang Dũng), được trồng chủ yếu ở đôi bờ sông Thương, nhiều nhất ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) và xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang). Cam Bố Hạ ngọt và có vị thơm đặc trưng, miếng cam vàng óng như mật.

Cây càng già thì chất lượng quả càng thơm ngon. Còn ở miền Nam thì có cam sành. Cam sành lớn trái, có vỏ sần sùi, xấu xí nhưng bên trong ruột rất ngon, ngọt và mọng nước, được người dân ưa chuộng:

“Cam sành gọt vỏ còn the
Thấy em còn nhỏ anh ve để dành”.

Cam sành từ lâu đã là loại cây trái chủ yếu của các nhà vườn miền Tây. Huyện Tam Bình (Vĩnh Long) được biết như là “vương quốc cam sành”.

Những trái cam sành to, tròn, ngọt lịm, mang thương hiệu Tam Bình giờ đây không chỉ có mặt ở hầu hết các tỉnh - thành mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước.

Theo DNSG