Người dân thôn Lâm Lý tham gia trồng cây xanh

Hướng đến hạ tầng hiện đại

Từ khi chính quyền địa phương tổ chức các cuộc họp dân, tuyên truyền, ông Trần Văn Sơn ở xã Quảng Phước hiểu rõ về chủ trương, mục tiêu xây dựng NTMNC. Đó là phải giữ vững thành quả và nâng cao chất lượng NTM, thu nhập và đời sống người dân vươn tầm cao mới.

Sau những ngày đón nhận bằng đạt chuẩn NTM, ông Sơn cùng với người dân địa phương tiếp tục trồng cây xanh hai bên trường, trong khu dân cư, trồng cây ăn quả trong vườn nhà, trồng chè tàu và các loại cây xanh phù hợp làm bờ tường rào quanh nhà; ra quân vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, vớt bèo, rác trên các sông, đầm phá.

Bà Nguyễn Thị Quyệt, Phó Bí thư Chi bộ thôn Hà Đồ - Phước Lập cho biết, từ khi triển khai chủ trương xây dựng NTMNC, người dân được thôn, xã định hướng, vận động xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch chung, đồng bộ, kết hợp phòng chống bão, lũ. Các công trình trên đất như bờ tường, cổng nhà… sẽ hạn chế tối đa xây dựng bằng bê tông, thay vào đó là các vật liệu phù hợp, cây xanh tạo cảnh quan môi trường, xanh-sạch-đẹp.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Phan Thị Châu thông tin, trên cơ sở nền tảng, phát huy thành quả NTM, xã Quảng Phước xây dựng NTMNC theo hướng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại. Các tuyến đường không chỉ bê tông, thảm nhựa mà còn được nâng cấp, mở rộng, đảm bảo ô tô giao thông hai chiều.

Nâng cao thu nhập

Bà Phạm Thị Hằng ở thôn Thủ Lễ nhận thức, muốn xây dựng NTMNC, người dân phải xóa bỏ tập quán sản xuất truyền thống lạc hậu, chuyển sang đầu tư các mô hình kinh tế mới, có giá trị kinh tế cao hơn.

Bà Hằng đã mạnh dạn tham gia trồng lúa cánh đồng mẫu lớn, gieo cấy các giống chất lượng cao. Các vụ gần đây, bình quân mỗi ha lúa cánh đồng mẫu không chỉ đạt năng suất cao trên dưới 70 tạ mà còn nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho bà Hằng và các hộ dân.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước, ông Hồ Đăng Minh chia sẻ, trong định hướng xây dựng xã NTMNC, xã từng bước chuyển sang trồng lúa cánh đồng mẫu lớn theo chuỗi giá trị (từ liên kết sản xuất, tiêu thụ đến chế biến sản phẩm chất lượng cao). Những cánh đồng lúa kém hiệu quả, nhiễm mặn sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hoặc trồng cây phù hợp.

Nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường vùng đầm phá. Ngoài mô hình nuôi tôm sú, xã khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển sang mô hình nuôi xen ghép (tôm-cua-cá), bình quân mỗi ha thu nhập 150-200 triệu đồng. Xã tranh thủ các nguồn lực, chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đảm bảo cho nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá.

Ông Hồ Đăng Minh cho hay, Quảng Phước cần sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực kinh phí kịp thời để xây dựng kết cấu hạ tầng, mô hình sản xuất, kinh doanh. Theo quy định tiêu chí vườn mẫu, mỗi vườn có diện tích tối thiểu 500m2; nhưng do điều kiện địa hình, sản xuất tại xã Quảng Phước chủ yếu trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ… nên số mô hình kinh tế vườn rất thấp, không có quỹ đất để thực hiện, mở rộng vườn kiểu mẫu theo quy định theo tiêu chí NTMNC. Cần có cơ chế đặc thù về mô hình kinh tế vườn kiểu mẫu đối với Quảng Phước (không xây dựng vườn kiểu mẫu).

Bài, ảnh: Hoàng Thế