Người trồng thanh trà ở Hương Trà khôi phục vườn cây sau lũ

Dọn dẹp tàn dư

Sau nhiều trận lũ liên tiếp, bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế) bị bồi lắng một lượng đất phù sa pha cát lớn, tàn dư cây trồng chết còn vương vãi cùng với rều rác. Ngay sau bão số 13, trời bắt đầu có nắng nhẹ, nước rút dần, cũng là lúc người trồng thanh trà bắt đầu dọn dẹp, chuẩn bị vụ trồng mới.

Với 20 cây thanh tra trồng ở bãi bồi Lương Quán đã cho trái bói đầu tiên, chỉ một trận nước lũ đã bị nhấn chìm. Tiếc bao công sức, những ngày sau lũ, bà Hoàng Thị Ty (TDP 10, phường Thủy Biều) cứ ra vườn trổ mương nước mong cứu cây. Nhưng lũ liên tiếp đã ngâm làm 100% cây thanh trà tại bãi bồi của bà Ty chết.

Những ngày này, tranh thủ có nắng, bà ra dọn dẹp vườn cây, cào rều rác, đắp lại mương thoát nước chuẩn bị đưa giống về trồng mới. Theo bà Ty, điều lo nhất hiện nay là bà con đang thiếu nguồn giống để tái tạo.

Hộ ông Võ Trần Tuấn Kiệt (TDP 10) cũng ra khu vực bãi bồi Lương Quán kiểm tra những cây bị ngập nhẹ, không vàng lá, nấm gốc, trước mắt dùng các biện pháp kỹ thuật phục hồi. Đối với những cây chết thì chặt bỏ, dọn cành, vệ sinh vườn để phòng chống nấm bệnh và gia cố lại mương thoát nước để xuống giống mới. Trận lụt từ tháng 10 đến nay, đã làm vườn thanh trà 4.000m2 (130 cây) của ông Kiệt bị ngâm nước lũ chết.

Quyền Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, ông Võ Đăng Thái thông tin, Thủy Biều là địa phương có diện tích trồng thanh trà nhiều nhất TP. Huế với tổng diện tích khoảng 150 ha, trong đó có 147ha đã cho quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Đợt lũ ngày 9/10, do ngâm nước lâu nên trên 10 ha thanh trà dưới 5 tuổi trồng ở khu vực bãi bồi Lương Quán bị ngập, chết. Người dân rất cần nguồn giống tái tạo.

Khôi phục sản xuất

Gần 500 ha bị thiệt hại

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đợt bão lụt diễn ra từ tháng 10 đến nay làm gần 500 ha cây trồng thanh trà bị thiệt hại. Trong đó, diện tích bị chết hoàn toàn khoảng 200 ha, chủ yếu là cây thanh trà đã được trồng từ 2 - 5 tuổi. Sau lũ, cũng xuất hiện nhiều loại bệnh trên cây thanh trà như bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ với diện tích nhiễm khoảng 500 ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 40-50% tập trung ở Phong Thu, Hương Vân, TP. Huế.

Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều thông tin, hiện nay đối với những diện tích cây thanh trà sống sót qua lũ, chính quyền phối hợp với HTX NN Thủy Biều hướng dẫn kỹ thuật trước mắt cho người dân phục hồi vườn cây; đề xuất cấp trên hỗ trợ giống cây, phân bón để giúp người dân tái sản xuất sau lũ.

Tuy nhiên, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn nguồn giống bởi hiện tại giống cây thanh trà dùng trồng mới sau lũ đang thiếu do nông dân từ trước đến nay chỉ sử dụng nguồn giống từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Huế, không nhập giống từ ngoại tỉnh.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết, sau lũ, chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật về phối hợp với địa phương, HTX trên địa bàn  có những hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nông dân cứu vườn cây, khôi phục sản xuất sau lũ.

Theo đó, đối với cây ăn quả (cam, bưởi, thanh trà…) cần cắt tỉa cành, cây bị gãy đổ, xử lý vết gãy đổ bằng vaseline để hạn chế nấm bệnh xâm nhiễm. Chống đỡ các cây bị đổ ngã, vun gốc để cây phục hồi phát triển. Khơi thông rãnh thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ trong vườn cây khi mưa lớn, xới xáo nhẹ, phá váng lớp đất bề mặt và tăng cường bón phân chuồng hoai mục khi trời nắng để tăng khả năng phục hồi cho cây  sau lũ.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người trồng có thể kiểm tra bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ để có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan. Đối với diện tích trồng mới, trồng dặm lại cây chết sau lũ lụt người trồng nên chú ý sử dụng nguồn giống có nguồn gốc ràng, đắp mô cao và trồng đúng kỹ thuật để hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Sau khi phục hồi, trồng mới vườn cây, người trồng cần tiếp tục theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.

Bài, ảnh: Hà Nguyên