Lò nung do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 50% kinh phí phát huy giá trị, giúp DN sản xuất được các dòng tranh cỡ lớn phục vụ thị trường

Pháp lam là sản phẩm không chỉ trang trí trong cung điện, tôn miếu mà được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hiện đại, với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và được du khách ưa chuộng. Dựa trên kỹ thuật chế tác chung, hơn 20 năm qua, DN tư nhân Vẽ tranh pháp lam Cung Đình ở phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) đã sản xuất thành công các dòng tranh pháp lam. Đây là sự kết hợp tinh tế, giữa hội họa men trên chất liệu đồng.

Theo Giám đốc DN Nguyễn Phước Diễn, một bức họa phải mất 4- 5 ngày mới hoàn thành. Sau khi đồng được phủ lên một lớp men, người thợ phải trải qua các công đoạn phác thảo, vẽ màu men, đem nung ở nhiệt độ cao mới cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Nghệ thuật làm nên nét đặc trưng của tranh pháp lam Huế là ở màu men, song chất liệu đồng và công đoạn nung đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của tranh pháp lam.

Sau khi lò nung thủ công do DN đầu tư hơn 5 năm trước giờ đã lạc hậu do các công đoạn nung đều thực hiện thao tác thủ công nên màu tranh không đều, chất lượng tranh không ổn định, DN đã lập đề án xin hỗ trợ vốn KC để đầu tư thiết bị và được Sở Công thương phê duyệt. Hiện, lò nung đã đưa vào hoạt động với tổng kinh phí 112 triệu đồng, trong đó vốn KC hỗ trợ 50 triệu đồng.

Từ khi đưa lò nung vào hoạt động, DN sản xuất được số lượng lớn do lò có công suất nung lớn, đồng thời các tính năng điều chỉnh nhiệt độ, chế độ cài đặt các thông số kỹ thuật tự động nên tiết giảm nhân công. Đặc biệt, thiết bị có thể nung các loại tranh có kích cỡ lớn, từ 35 x 40cm và tiết kiệm điện nên đã giúp DN tiết giảm chi phí, góp phần giảm giá thành và tạo dòng tranh pháp lam cỡ lớn phục vụ nhu cầu trang trí của khách.

Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy Nguyễn Đắc Tập cho rằng, năm 2020, nguồn vốn KC tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất trên địa bàn 4 đề án với tổng mức hỗ trợ gần 500 triệu đồng, trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Nguồn vốn này đã tiếp sức, tạo động lực để các cơ sở mạnh dạn đầu tư thêm vốn trang bị máy móc hiện đại thay thế các thiết bị lạc hậu, lỗi thời nhằm tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cho mặt hàng quà tặng và đặc sản Huế.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã kịp thời khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất sản phẩm mới và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, Sở đã tuyên truyền về ý nghĩa hoạt động KC, qua đó động viên khuyến khích các cơ sở đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất, giải phóng sức lao động nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Bài, ảnh: Thanh Hương