Chăn nuôi lợn hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền
Tham gia chuỗi liên kết
Ông Nguyễn Văn Lịch là một trong nhiều hộ dân tham gia chuỗi liên kết giá trị chăn nuôi lợn hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, tại xã Phong Thu (Phong Điền) từ năm 2016.
Ban đầu, hộ ông Lịch hợp tác nuôi 60 con lợn thịt bằng công nghệ vi sinh và an toàn sinh học (ATSH). Đến nay, trang trại của ông tuyển chọn được lợn nái lai tốt trong đàn. Qua 5 năm liên kết, hiện gia đình ông nuôi 10 lợn nái, sản xuất trên 200 lợn giống thương phẩm/năm để phục vụ chăn nuôi lợn thịt tại trang trại và cung cấp cho công ty tái đàn. Chăn nuôi lợn ATSH cho gia đình ông Lịch thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Nhờ áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật nuôi ATSH, trang trại ông Lịch đã có được chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ nguồn phân hữu cơ dồi dào để bón cho 3 ha cây thanh trà và bưởi da xanh. Cây ăn quả phát triển rất tốt, chất lượng trái thơm ngon, không tốn kinh phí mua phân chuồng như mọi năm. Từ đây, gia đình ông Lịch đã thành lập được HTX cây ăn quả hữu cơ Bưởi Thanh Trà tại địa phương, liên kết được 30 hộ tham gia sử dụng phân hữu cơ, cho sản phẩm chất lượng, được nhiều nơi đặt mua.
Hiện nay, công ty tiếp tục giúp đỡ gia đình xây chuồng trại theo mô hình công nghệ mới với dây chuyền thức ăn tự động, mở rộng quy mô lên 30 nái và 400 lợn thịt/năm.
Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTX NN Đông Vinh (Quảng Vinh, Quảng Điền) cho biết, năm 2015, HTX ký hợp tác liên kết chuỗi sản xuất lúa hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, với 102 hộ dân tham gia.
Bước đầu, HTX được đơn vị này đầu tư đầu vào, bao tiêu đầu ra với diện tích 24ha lúa. Hiệu quả cho thấy, sản xuất lúa hữu cơ so với sản xuất lúa bình thường có lãi cao hơn từ 4,5-9 triệu đồng/ha/vụ. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với Tập đoàn Quế Lâm tổng diện tích trên 100 ha. Hàng năm, mô hình này tăng thu nhập thêm cho người nông dân từ 200- 230 triệu đồng.
Sản phẩm NNHC vẫn chưa đến được tay người tiêu dùng rộng rãi
Thiếu cơ chế thúc đẩy
Ông Nguyễn Văn Lịch cho biết, trên cơ sở Tập đoàn Quế Lâm ký kết hợp tác liên kết mở rộng NNHC với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, những hộ nông dân tham gia mô hình như chúng tôi kiến nghị các cơ quan ban ngành cần có thêm chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ. Địa phương có thể liên kết, tạo điều kiện cho những hộ dân tham gia mô hình có điểm bán, phân phối thịt lợn sạch trên địa bàn để đảm bảo đầu ra, góp phần tuyên truyền mở rộng mô hình.
Tập đoàn Quế Lâm cũng cho mở rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ này đến những làng, xã chăn nuôi, để có thêm nhiều sản phẩm chăn nuôi ATSH bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo HTX NN Đông Vinh, hàng năm đơn vị này được Tập đoàn Quế Lâm thu mua lúa tươi và chế biến thông qua công nghệ máy sấy, giúp nông dân tiết kiện sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Tuy nhiên, đến cao điểm của thời vụ công suất máy không đáp ứng được. HTX đã đề xuất địa phương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm máy sấy nhằm giải phóng sức lao động đối với những hộ tham gia sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao, để HTX chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất có quy mô lớn hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Tại hội nghị xúc tiến phát triển NNHC mới đây, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định, sản xuất NNHC vẫn còn nhiều khó khăn do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, thị trường cho sản phẩm NNHC chưa ổn định, do vậy đa số nông dân chưa có nhu cầu chuyển sang sản xuất NNHC.
Khảo sát tại các địa phương cho thấy, sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC hiện chưa phát triển trong khi thị trường xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hầu như chưa kết nối được nhiều.
Cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy sản xuất NNHC còn thiếu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ…là một trong những trở lực ảnh hưởng đến phát triển sản xuất NNHC hiện nay.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai một số giải pháp trong thời gian tới như lựa chọn các sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ, phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương để áp dụng quy trình sản xuất NNHC. Xây dựng mô hình NNHC theo chuỗi liên kết giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; xây dựng mô hình khuyến nông về sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm NNHC và các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đơn vị cũng tăng cường đào tạo, tập huấn và hợp tác quốc tế về NNHC; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, phân bón hữu cơ, phân, chế phẩm sinh học.
Chăn nuôi an toàn sinh học “vượt” qua dịch bệnh Năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện các mô hình liên kết trong chăn nuôi ATSH theo hướng hữu cơ tại một số tỉnh, thành với hơn 12.000 đầu lợn/lứa, tăng trọng bình quân 20kg/tháng, lãi so với nuôi đại trà bằng cám công nghiệp hơn 700.000 đồng/con. Với quy trình nuôi không sử dụng nước tắm, nước rửa chuồng (tiết kiệm được 1.400 lít nước/con/lứa), sử dụng đệm lót sinh học…“vượt”qua được dịch bệnh trong quá trình nuôi. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên