Cuộc sống của Nguyễn Hoàng Tú (bên trái) “sang trang” nhờ công nghệ

Cánh cửa mới

Nguyễn Hoàng Tú, chàng trai sinh năm 2001, là một trong những người dùng công nghệ để vươn lên trong cuộc sống. Hoàng Tú kể: “Lúc mới sinh ra sức khỏe của em vẫn bình thường. Năm 1 tuổi em bị sốt, bác sĩ thông báo với gia đình rằng em đã bị ung thư mắt. Sau đó phải tiến hành múc bỏ mắt để tránh tình trạng ung thư di căn”.

Nguyễn Hoàng Tú không còn nhìn thấy ánh sáng. Bù lại, Tú có suy nghĩ nhạy bén và lạc quan. Năm 2017, Nguyễn Hoàng Tú tham gia lớp tin học dành cho người mù. Với Tú, tin học đã mở ra một chân trời mới, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời.

Thành thạo sử dụng các phần mềm, dùng công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ; đến nay Nguyễn Hoàng Tú đang lập và vận hành kênh youtube truyện đọc audio, đồng thời kiếm thêm thu nhập từ kinh doanh online. Hoàng Tú chia sẻ: “Em nhắm đến thính giả là người sáng đang làm văn phòng. Họ thường không có nhiều thời gian cho bản thân, vì thế truyện audio vừa giúp mang lại thu nhập cho em, vừa giải trí, mang đến phút giây thư giãn cho nhiều người”.

5 năm trở lại đây, Nguyễn Hoàng Tú là 1 trong 35 học viên tham gia lớp tin học dành cho người mù. Ngoài ra, Tỉnh hội đã mở 4 lớp tập huấn sử dụng điện thoại thông minh cho 80 cán bộ, hội viên. Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức hội thi tin học dành cho người mù. Cán bộ, hội viên vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện cũng bắt nguồn từ việc rèn giũa trong môi trường này. Từ đó, thúc đẩy số lượng và chất lượng hội viên tham gia cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, công tác tổ chức, quản lý hội”.

Dù là địa bàn vùng cao nhưng A Lưới đã và đang thúc đẩy hoạt động hội bằng công nghệ thông tin. Anh Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch Hội Người mù huyện A Lưới cho hay: “Nhờ công nghệ chúng tôi đã phát triển các hoạt động hội tự chủ hơn. Việc nắm bắt thông tin, trao đổi văn bản không còn quá phụ thuộc vào trợ lý người sáng. Hiện nay tuy việc ứng dụng mới đạt 6/15 chi hội xã, thị trấn nhưng tin rằng về lâu dài, con số này sẽ được cải thiện nhanh chóng”.

Gây dựng hệ thống

Theo anh Duy, công nghệ thông tin là động lực lớn thúc đẩy, tạo mạng lưới nâng cao hiệu quả hoạt động hội cơ sở. Hơn nữa, nếu mọi hội viên (nhất là vùng cao như A Lưới) đều được tiếp cận công nghệ sẽ giúp đời sống tinh thần và vật chất của hội viên nâng cao rõ rệt. “Để hiệu quả thì nhất thiết phải có mạng lưới công nghệ liên kết các hội viên với nhau. Đó có thể là mạng xã hội dành cho người khiếm thị chẳng hạn”, anh Duy nói.

Năm 2019, Nguyễn Viết Thương, giáo viên khiếm thị tại tỉnh hội đã sáng lập nên Hệ thống học trực tuyến dành cho người khiếm thị. Đây là tổ hợp các video hướng dẫn giúp người khiếm thị dễ dàng tiếp cận các giáo trình học trực tuyến để sử dụng thành thạo điện thoại, máy tính.

Hơn 100 video trên website nguyenvietthuong.com được chia sẻ với mục đích biến chiếc điện thoại, máy tính trở thành đôi mắt của người khiếm thị. Hơn nữa, trên nền tảng công nghệ, mỗi thành viên có thể liên kết với nhau thông qua kênh nhóm, trang facebook, thư điện tử. Như vậy, bài toán đặt ra tại A Lưới cũng như các địa phương đã có hướng mở.

Nguyễn Hoàng Tú, Nguyễn Văn Duy và Nguyễn Viết Thương là 3 đại diện của Hội Người mù tỉnh sắp sửa tham gia Hội thi tin học toàn quốc năm 2020. Trước đó, em Nguyễn Hoàng Tú và anh Nguyễn Văn Duy đã xuất sắc đạt giải nhất nhóm học sinh, sinh viên và cán bộ, hội viên trong Hội thi tin học dành cho người mù trên địa bàn tỉnh. Đại diện Hội Người mù tỉnh kỳ vọng: “Với sự nỗ lực bền bỉ, việc người khiếm thị tiếp cận và vận dụng công nghệ thông tin không còn xa vời. Không chỉ tự tạo niềm vui, đam mê cho bản thân, công nghệ còn là “đôi mắt”, gắn kết người khiếm thị với nhau, với đời sống”.

Bài, ảnh: Mai Huế