Khen thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tâp. Ảnh: Mai Trang

Các mô hình học tập cùng tiến

Khảo sát ở Thừa Thiên Huế cho thấy, các huyện, thị xã và TP. Huế đều có sự tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào học tập suốt đời. Đến tháng 10/2020, đã có 149.138 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, chiếm tỷ lệ 54,1% so với chỉ tiêu đề ra là 70% tổng số gia đình đạt; 723 dòng họ được bầu chọn “Dòng họ học tập” cấp cơ sở, chiếm tỷ lệ 34,8% so với chỉ tiêu đề ra là 50% tổng số dòng họ đạt; 725 thôn, tổ dân phố đạt “Cộng đồng học tập” cấp cơ sở, chiếm tỷ lệ 69,5% so với chỉ tiêu đề ra là 60% tổng số cộng đồng đạt; 534 đơn vị (cơ quan, trường học, doanh nghiệp) đạt “Đơn vị học tập”, chiếm tỷ lệ 81,5% so với chỉ tiêu đề ra là 50% đạt.

Các huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Nam Đông, thị xã Hương Thủy và TP. Huế chỉ đạo, tổ chức thực hiện khá bài bản từ khâu lập kế hoạch; giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng đối tượng, phát động đăng ký, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đánh giá bầu chọn các danh hiệu căn cứ vào các bộ tiêu chí và quy trình bầu chọn… nên kết quả tốt hơn, đồng đều hơn. Nổi bật có xã, phường: Quảng Vinh, Quảng Thái (Quảng Điền), Vinh Hưng, Lộc Bổn, Lộc Trì (Phú Lộc), Thủy Phù, Thủy Dương (Hương Thủy), Kim Long, An Cựu (Huế), Hương Giang, Hương Lộc, Hương Phú (Nam Đông).

Thực hiện Quyết định số 281/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều điển hình xuất hiện. Tiêu biểu qua mô hình “Gia đình học tập” có gia đình ông Trần Xuân Phương ở xã Hương Sơn (Nam Đông), ông Nguyễn Văn Nhân ở Lộc Điền (Phú Lộc)… đã vượt khó, vươn lên và giáo dục con cái thành tài. Các dòng họ Nguyễn Văn ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc), Cơ Xích (A Lưới)… có phong trào xây dựng mô hình dòng họ học tập tốt. Tổ dân phố 7 phường Đúc (Huế), thôn La Phú thuộc xã Lộc Hòa (Phú Lộc)… là điển hình trong phong trào học tập của người lớn tuổi. Các trường THCS Thượng Nhật (Nam Đông), tiểu học Số 1 Lộc Trì (Phú Lộc)…. là đơn vị tiêu biểu trong phong trào học tập suốt đời trong tỉnh.

Hội khuyến học phối hợp nhập cuộc

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Khuyến học phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo và các ngành liên quan vận động các nguồn lực xã hội hóa để duy trì và mở rộng trao thưởng cho học sinh, sinh viên đạt nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện; giúp học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ những giáo viên có nhiều cống hiến, gặp hoàn cảnh khó khăn; tìm nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm để góp phần tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học. Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh vận động tài trợ 2 thư viện đạt chuẩn cho 2 trường THCS Thủy Phù (Hương Thủy) và Phú Đa (Phú Vang) trị giá 1,6 tỷ đồng, 2 hệ thống cấp nước sạch cho 2 trường tiểu học và trung học cơ sở; cung cấp cho hơn 2.000 đầu sách cho một số thư viện và trung tâm học tập cộng đồng xã, phường và thị trấn.

Bước đầu xuất hiện mô hình tổ chức việc huy động các thiết chế phục vụ cho việc học tập của người lớn tuổi ngoài các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Ở Phú Lộc, Hội Khuyến học phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và Bưu điện huyện thực hiện chủ trương 100% thư viện các trường học mở cửa hằng ngày vào các dịp hè để phục vụ cho phụ huynh và học sinh đọc sách; các trường và các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hoạt động bồi dưỡng các kỹ năng bóng bàn, cầu lông, cờ vua, bơi lội và một số kỹ năng mềm khác, phục vụ học sinh rèn luyện và vui chơi, giải trí.

Sự phối hợp giữa hội khuyến học và ngành giáo dục - đào tạo còn thể hiện qua các bước vận động cán bộ, hội viên xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” xã và xây dựng, phát huy vai trò các trung tâm học tập cộng đồng. Sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, toàn tỉnh có 147/147 phường, xã và thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Tính từ năm 2015 đến nay, các trung tâm này đã huy động được hơn 500.000 lượt người tham dự các lớp tập huấn; chưa kể, đông đảo các lực lượng, nhất là người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… tham gia các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng khác.

Trao học bổng cho học sinh học giỏi

Khẳng định vai trò cấp ủy Đảng

Kết quả thực hiện Quyết định số 281/QĐ - TTg có sự chỉ đạo tập trung của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương và sự nỗ lực của các cấp hội với sự phối hợp chặt chẽ của ngành giáo dục và đào tạo và các ngành liên quan khác. Tuy nhiên, thực tế ở Thừa Thiên Huế cho thấy, nhiều tổ chức chính trị vẫn chưa thực sự vào cuộc; một bộ phận Nhân dân chưa ý thức đầy đủ về phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, còn thiếu chủ động và tự giác tham gia phong trào; bộ máy hội khuyến học và các trung tâm học tập cộng đồng còn yếu và thiếu, nhất là các đơn vị cơ sở.

Để thực hiện tốt Quyết định số 281/QĐ - TTg, cần tiếp tục củng cố chất lượng các mô mình học tập gắn với nâng cao vai trò của tổ chức Đảng, của người đứng đầu các tổ chức trong trong hệ thống chính trị đối với công tác khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thể chế hóa và đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là chính quyền cấp xã.

Bài, ảnh: Huế Thu