Chị Nguyễn Thị Hòa tham quan vòm nấm của người dân được chị cho mượn tiền không lãi để sản xuất

Dẫn chúng tôi đi xem những vòm nấm đang cho thu hoạch, chị Trần Thị Khai, tổ dân phố Đức Lam Trung, thị trấn Phú Đa kể, 3 vòm nấm trước, mỗi vòm chị đầu tư hết 3 triệu đồng, thu hoạch được vài lứa thì bão ập đến, hư hại. Nhờ chị Nguyễn Thị Hòa cho mượn tiền, chị làm lại 4 vòm, hiện 2 vòm đang cho thu hoạch.

Nợ cũ trả chưa hết, chị Nguyễn Thị Đưa tiếp tục được chị Nguyễn Thị Hòa cho mượn thêm tiền để làm lại những vòm nấm bị bão làm sập. Nhìn 6 vòm nấm đã được cấy, chị Đưa hy vọng: “Mong thời tiết thuận lợi, nấm mọc đều còn có đồng ra đồng vào lo cho các con. Cũng may, chị Hòa tốt bụng cho mượn tiền không tính lãi, lại cho trả lần, nếu không vợ chồng tôi khó khăn gấp bội”. 

Chị Đưa, chị Khai là 2 trong gần 100 hộ dân làm nấm rơm bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn huyện Phú Vang được chị Hòa cho mượn tiền để khắc phục. Tổng số tiền chị Hòa cho dân mượn đợt này là 150 triệu đồng. Các hộ dân được trả dần bằng tiền mặt, hoàn toàn không lãi suất hoặc trả bằng sản phẩm nấm rơm do họ làm ra theo đúng giá thị trường.

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa của mình, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu Nguyễn Thị Hòa phân tích: “Thời gian dịch COVID -19, nấm các hộ dân làm ra không có thị trường tiêu thụ, đã phải bán với giá gần như không lãi. Nay thiên tai ập đến, nếu không cho các chị mượn tiền, các chị rất khó để khôi phục lại sản xuất, cuộc sống lại càng khó khăn hơn”.

 Hình thức đầu tư này từng được chị Hòa áp dụng từ nhiều năm trước với mong muốn mang lại thu nhập cho nhiều người dân hơn. Chị Hòa kể, chị có duyên với nghề thu mua nấm từ mấy chục năm nay. Trong quá trình thu mua, thấy nhiều người dân có nhu cầu trồng nấm rơm nhưng không có vốn, chị chủ động dùng tiền của mình cho dân mượn làm vốn đầu tư. Bù lại, chị Hòa luôn được người dân tin tưởng chọn để nhập nấm. “So với bán lẻ và nhập cho chị Hòa, giá chênh lệch cũng chẳng là bao, trong lúc lại phải mất thời gian ngồi bán.Vì vậy, tôi nhập nấm cho chị Hòa để được đảm bảo về đầu ra”, chị Khai cho biết.

Không chỉ chị Hòa, anh Nguyễn Văn Phương, chồng chị cũng có tấm lòng bao dung. Anh kể, cách đây 4 năm, khi vợ chồng anh mới xây nhà xong, đang còn khó khăn về tiền bạc, nhưng khi tết đến, nhiều người dân khó khăn đến mượn tiền, vợ chồng anh đã đi vay 50 triệu đồng về cho người dân mượn. Vợ chồng chị Hòa còn nhận cưu mang hàng tháng cho một em bé mồ côi từ 6 năm nay.

Hiện vợ chồng chị Hòa đã đồng ý đầu tư tiền giống và chịu trách nhiệm về đầu ra để Hội LHPN huyện Phú Vang thực hiện thí điểm dự án trồng tỏi Lý Sơn cho người dân xã Vinh Thanh. Theo chị Ngô Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Vang, dự án “Sản xuất giống tỏi Lý Sơn tại vùng đất cát của Thừa Thiên Huế” của hội viên phụ nữ huyện từng đoạt giải ba cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” tỉnh năm 2020, được đánh giá cao về tính khả thi nhưng chưa có kinh phí để hiện thực hóa ý tưởng. Nay được vợ chồng chị Hòa đầu tư vốn ban đầu và đảm bảo đầu ra, giúp người dân yên tâm thí điểm giống tỏi này.

Về phía chị Hòa, chị cho biết: “Vợ chồng tôi sẽ cùng với chủ dự án nghiên cứu, khảo sát kỹ từ sản xuất đến bảo quản, tiêu thụ, với mong muốn dự án thí điểm thành công để người dân có thêm cơ hội phát triển kinh tế”.

Bài, ảnh: Hải Thuận