Không có biện pháp tiết giảm, tái chế, tái sử dụng, nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn nhanh lấp đầy, quá tải so với kế hoạch

Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% tỉnh, thành phố toàn quốc. CTRSH ngoài các thành phần chủ yếu là các thành phần hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, lá cây...) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...) còn lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, pin, dầu thải, đồ phế thải có kích thước, thể tích lớn... Những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi ni lông có xu hướng gia tăng đang là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý CTRSH của các địa phương.

Để xử lý CTRSH thu gom được, phần lớn các địa phương đang áp dụng phương pháp chôn lấp là chủ yếu. Hiện nay, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH. Trong đó, có 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp, góp phần xử lý lần lượt là 13%, 16% và 71% tổng khối lượng CTRSH được thu gom. Trong số 904 bãi chôn lấp, chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Nếu như cách đây khoảng 20 năm, chất thải rắn và CTRSH ở khu vực nông thôn được tái sử dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, thì những năm sau này, việc sử dụng đại trà phân vô cơ, thức ăn công nghiệp tiện lợi khiến phế phẩm nông nghiệp, bèo tây... dùng để làm phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm lại bị bỏ phí. Thậm chí các loại bao bì ni lông chứa thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật... phát sinh ở khu vực nông thôn ngày càng nhiều hơn cũng đang làm tăng khối lượng rác thải.

Khu vực đô thị với quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hoá nhanh chóng, nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, dịch vụ phát triển cũng đang tạo nên sức ép đối với môi trường, làm tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Trong khi mô hình quản lý CTRSH còn thiếu, yếu và chưa phù hợp với thực tiễn; thiết bị, công nghệ xử lý lạc hậu..., nhưng lượng rác, loại rác ngày càng gia tăng và phức tạp càng gây khó khăn cho việc xử lý đảm bảo hiệu quả về môi trường, kinh tế, xã hội.

Ở nhiều địa phương, ô nhiễm môi trường từ CTRSH, nhất là tại các bãi chôn lấp đang gây bức xúc đối với cộng đồng, xã hội. Pháp luật về bảo vệ môi trường quy định việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp nào đều phải đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Tuy nhiên, với đa phần đang xử lý bằng chôn lấp, nhưng số bãi chôn lấp hợp vệ sinh chỉ chiếm 20%, còn lại là các bãi chôn lấp lộ thiên, bãi tạm không đảm bảo yêu cầu theo quy định pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, làm đảo lộn cuộc sống, sức khỏe của người dân trong khu vực.

Theo Quyết định 1788 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, cả nước có 116 bãi rác thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, Thừa Thiên Huế có 6 bãi: thị trấn Sịa (Quảng Điền), Khe Tre (Nam Đông), Phú Hải (Phú Vang), khu vực Vinh Hưng-Giang Hải (Phú Lộc), Điền Lộc (Phong Điền), bãi chôn lấp chất thải rắn Thủy Phương (TX. Hương Thủy). Phấn đấu đến năm 2020 xử lý ô nhiễm môi trường 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Riêng đến năm 2019, mới có 8 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN