Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Huế tham gia

Đặc điểm, bản sắc văn hóa Huế

Đây là chủ đề được một số tác giả quan tâm nghiên cứu với trọng tâm về lịch sử và đặc điểm của văn hóa Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khi bàn về lịch sử hình thành văn hóa Huế cho rằng: “Trong văn hóa Huế, di sản văn hóa Chămpa là một lớp trầm tích văn hóa rất sâu, là một trong những thành tố có vị trí khá đặc biệt, góp phần cấu thành bản sắc văn hóa Huế.”

Theo PGS.TS Đỗ Bang, văn hóa Phú Xuân đã lan tỏa ra cả nước qua dòng chảy di cư và giao thoa các vùng miền với tư cách là trung tâm chính trị, văn hóa của Đàng Trong và kinh đô của cả nước… Văn hóa Phú Xuân là nguồn lực tạo nên sức sống mới của Đại Việt trong thế kỷ 17 và 18 và là nền tảng vững chắc để có văn hóa Huế trong thế kỷ 19 về phương diện kiến trúc cung đình, quy hoạch kinh thành, đô thị; về ẩm thực, âm nhạc, sân khấu, giáo dục - đào tạo, y học, sử học, luật pháp… Trở thành di sản văn hoa đặc trưng của dân tộc có giá trị toàn cầu.

Trong chuyên luận về “Bản sắc văn hóa Huế từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể”, TS. Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian tỉnh sau khi phân tích sự phong phú của kho tàng văn hóa phi vật thể tại Huế đã khẳng định: “Nội hàm bản sắc văn hóa Huế thể hiện rõ nét thông qua các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, phản ánh một cách sống động và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hóa của con người Huế từ xưa cho đến nay. Đó là tổng hòa các yếu tố giao lưu, hội nhập, tiếp biến, cởi mở, sáng tạo của các thế hệ cư dân sinh sống trên mảnh đất sông Hương núi Ngự để tạo nên các giá trị bản sắc văn hóa Huế. Do vậy, nhắc đến xứ Huế, người ta luôn cảm thấy ở đó có một bản sắc rất riêng, đặc trưng, khác với các vùng miền khác trong cả nước”.

Bảo tồn và phát huy

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường...”. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tiếp theo sẽ là yêu cầu, nhiệm vụ mang tính cấp thiết, góp phần cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu nêu tại Nghị quyết 54. Đồng thời, qua đó thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện, đồng bộ và mang tính định hướng, chiến lược lâu dài.

TS. Phan Thanh Hải đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài Huế

Đại diện từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhấn mạnh về tầm quan trọng song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài: “Có thể nói rằng Huế là nơi sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam. Dù nhu cầu, phong cách thời trang của con người có thể thay đổi, nhưng áo dài vẫn sẽ là trang phục truyền thống, nét đặc trưng trong di sản văn hoá Huế và tượng trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ Huế nói riêng, Việt Nam nói chung”.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh và TS. Trần Văn Dũng cũng nhận định, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Áo dài Huế ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh. Vì vậy, áo dài Huế là một di sản văn hóa phi vật thể xứng đáng được ghi danh, bảo vệ và phát huy giá trị như một di sản quốc gia và hơn thế nữa là của nhân loại.

Việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng, tôn giáo song hành với văn hóa Huế được cụ thể hóa với các chuyên luận của các tác giả. Hòa thượng Thích Huệ Phước cho rằng: “Với hệ thống chùa tháp, trên 100 ngôi chùa cổ, hàng chục tổ đình, tôn tượng pháp khí; các nghi lễ Phật giáo, sinh hoạt văn hóa thông qua các lễ hội, văn hóa ẩm thực chay; tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc... được luân chuyển trong đời sống thường nhật, Phật giáo Huế có khả năng tạo sự chú ý và lực hút trong du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh”.

Ở tầm vĩ mô, chuyên luận của TS. Phan Thanh Hải làm nổi bật nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề trên. TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạt được nhờ vào việc bảo tồn phát triển thương hiệu “thành phố/đô thị di sản”. Để kinh tế du lịch di sản làm động lực phát triển đô thị thì Thừa Thiên Huế phải hướng tới xây dựng một “thành phố du lịch di sản”. Vấn đề là phải giữ vững nguyên tắc bảo tồn để phát triển và không đánh mất đi bản sắc riêng của Huế”.

Tuy vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng hội thảo đã làm rõ một số vấn đề như: nhận diện bản sắc văn hóa Huế và vai trò trong tiến tình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương; trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể trong bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá Huế, truyền thống của người dân Cố đô Huế… Đây là cơ sở để cả hệ thống chính trị cùng chung sức xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Minh Nguyên