Đó là những ngày đầu, khi lụt đổ xuống, đã thấy chị xắn quần lội nước, tháp tùng chiếc xe tải đầy nhóc mỳ tôm về cứu trợ cho người dân còn ngập sâu ở Phú Vang, Quảng Điền. Nước chưa kịp rút, chị tìm cả ngày mới mướn được chiếc xe và đò chuyển hàng. Cuối cùng, mỳ cũng đã kịp về, cùng cái thở phào nhẹ lòng của chị.

Mấy hôm sau, lại thấy chị ngồi trên xe công nông, tiếp tế cho học sinh vùng cao thiếu sách vở, áo ấm. Rồi lại lặn lội đến hỗ trợ một phụ nữ vùng xa, có chồng bị bệnh tâm thần. Đường vào ngôi nhà sơ sài của người phụ nữ chông chênh, nhiều cây dại. Đến được thì chân chị cũng đã rớm máu. Nhìn chị trong bộ quần áo sẫm màu, cái mũ xùm xụp, tôi không còn nhận ra cô tiến sĩ, giảng viên đại học vốn dịu dàng, yêu đời hay selfie cùng hoa cỏ.

Hết lụt, tưởng chị  đã “an phận” với những bài nghiên cứu đăng báo và công việc giảng dạy bận rộn, không ngờ, lại nhận được thông điệp về nồi cháo tình thương mà chị cùng chồng đã nổi lửa nhiều năm nay, hỗ trợ bệnh nhân nghèo ở bệnh viện.

Xúc cảm trước nghĩa cử của chị, liên hệ để viết bài, chị từ chối: “Em đang bận ship hàng. Mà có chi mô mà viết chị. Những việc em làm cũng bình thường thôi”.

Thì ra, để chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, cô giảng viên có tấm lòng ấm áp ấy tranh thủ ngoài giờ lên lớp, ngoài giờ nghiên cứu để giao hàng cho khách. Khi thì chục cân gạo, khi thì ít gói miến dong, khi thì bó sả chị tự tay trồng lấy… Đọc ánh mắt có phần ái ngại của tôi, chị cười xòa: “Nếu đợi đến khi giàu có mới làm thiện nguyện thì e là muộn mất”.

Chia tay sau khi trao bao gạo ruộng vừa vội vã ship, chị dặn với theo: “Nếu chị có viết bài thì nhất định đừng đưa tên em chị nhé”. Chưa kịp trả lời, chị đã vèo đi.

Có lẽ chị đã quen vội vì với chị, thời gian thật quý giá.

NHẬT NGUYÊN