Hành lá Hương An sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa nếu liên kết tốt trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ

Ở Thừa Thiên Huế, theo thống kê, lĩnh vực kinh tế tập thể hiện nay có hơn 300 HTX ở nhiều lĩnh vực, nhiều nhất là HTX nông nghiệp. Doanh thu của mỗi HTX bình quân 3,5 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 350 HTX và đến năm 2030 là 400 HTX.

Bất kỳ loại hình kinh tế nào muốn lớn mạnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất là năng lực tài chính (vốn), trình độ quản trị (bộ máy lãnh đạo). Riêng HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp lại phụ thuộc một yếu tố nữa là đất đai. Tất cả các yếu tố nêu trên hệ thống kinh tế tập thể đều có nhiều hạn chế. Đó là lý do giải thích vì sao, qua nhiều lần chuyển đổi mô hình đến nay, tỷ lệ HTX lớn mạnh vẫn còn rất ít. Ở Thừa Thiên Huế, không biết trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX như thế nào nhưng trên bình diện cả nước, trình độ của đội ngũ lãnh đạo kinh tế tập thể dường như vẫn còn rất thấp.

Trong chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu trên, về trình độ của đội ngũ quản lý kinh tế tập thể, phấn đấu đến năm 2025, mục tiêu đặt ra cũng chỉ ở mức khiêm tốn – “20% cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực”. Đây chỉ là mục tiêu phấn đấu chứ chưa có điều gì chắc chắn – có thể đạt được và cũng có thể không! Con số phấn đấu này cho thấy, hiện nay, trình độ của đội ngũ lãnh đạo kinh tế tập thể chưa đạt 20% có trình độ từ đại học, cao đẳng trở lên. Ai cũng biết, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực lãnh đạo là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho mọi tổ chức – đội ngũ lãnh đạo vừa là người hoạch định đường hướng, đồng thời cũng là người tổ chức thực hiện các mục tiêu được đặt ra. Bởi vậy, khi trình độ của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chúng ta biết ngay kết quả hoạt động nó sẽ như thế nào?

Liên kết trong chế biến, tiêu thụ nông hải sản sẽ tạo được chuỗi giá trị tốt hơn

So với nhiều năm trước đây, một số HTX hoạt động có nhiều khởi sắc hơn. Riêng ở lĩnh vực nông nghiệp, ngoài đảm nhiệm các dịch vụ cơ bản đã có “từ xưa” như cung ứng vật tư phân bón, làm đất, thủy lợi, dự báo phòng trừ sâu bệnh… thì nhiều HTX còn bổ sung những hoạt động mới như liên kết với các DN đưa các mô hình mới, các loại giống cây trồng vật nuôi mới vào sản xuất. Những mô hình này từ “điểm” đã lan ra “diện”. Nhiều tổ chức kinh tế tập thể còn “lấn sang” lĩnh vực chế biến, kết nối tiêu thụ nông sản… Tuy nhiên, nhìn chung những bước phát triển mới mẻ, vượt bậc của kinh tế tập thể vẫn còn rất hạn chế!

Hiện nay chúng ta đặt vấn đề rất nhiều về sự gắn kết của chuỗi giá trị - tức là sản xuất gắn với chế biến; chế biến gắn với tiêu thụ (thị trường). Nhưng tính đi tính lại, sự liên kết mỗi khâu trong chuỗi này xem ra hết sức rời rạc. Người nông dân chỉ biết sản xuất, còn tiêu thụ để chế biến thì không biết. Lực lượng tiêu thụ nông sản hiện nay mạnh mẽ nhất là qua người mua đơn lẻ (chúng ta thường gọi là tư thương). Tư thương thì lại qua quá nhiều tầng nấc trung gian. Và tư thương cũng không có khả năng chế biến mà chủ yếu là mua thô bán thô. Một lực lượng có khả năng làm tốt nhất về chế biến và xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ chính là DN. Nhưng DN có vẻ cũng chưa mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Ngay trong sản xuất cũng chưa gắn kết được tốt các thành viên trong HTX. Ví như trồng lúa, chúng ta mới chỉ làm được một việc là dồn điền đổi thửa để thuận lợi hơn một phần trong sản xuất. Còn mỗi hộ gia đình cũng chỉ được phân làm vài sào ruộng.

Chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều hơn chi phí nếu “góp ruộng” vào HTX, tổ chức lại nhân lực. Ví dụ một HTX có 100 ha ruộng được phân cho vài trăm người. Người nào lo phần ruộng của người ấy thì chi phí nhân công sẽ rất cao. Nếu góp ruộng vào HTX, HTX đưa máy móc thiết bị, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong các khâu, chắc chắn chi phí sẽ giảm xuống. Một HTX đầu tư thiết bị nếu khai thác không hết công suất, tính toán không hiệu quả thì liên kết nhiều HTX, chắc là sẽ hiệu quả hơn.

Để kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ có quá nhiều việc phải làm. Mà việc nào cũng quan trọng, việc nào hiện nay cũng còn hạn chế. Chúng ta không thể nóng vội “một tấc tới trời” mà phải tháo gỡ từ từ. Nhận diện những hạn chế của kinh tế tập thể hiện nay là điều quan trọng nhất. Một khi nhận diện tốt hạn chế sẽ có giải pháp tốt, phù hợp để giải quyết.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: NGUYỄN PHONG