Các chuyên gia cho rằng, sản phẩm du lịch ở Huế đang vấp phải những tồn tại, như tạo ra sản phẩm mà khách không thích; hoặc tạo ra sản phẩm mà khách rất thích, nhưng thị trường lại quá nhỏ, khiến sản phẩm không thể duy trì lâu dài, bởi nguồn thu không ổn định; hoặc sản phẩm hấp dẫn, có thị trường, nhưng năng lực phục vụ qua thời gian lại hạn chế.

Thực tiễn cho thấy, nếu không chuẩn bị tốt cho sản phẩm khi ra đời, sẽ rất dễ gặp khó khăn trong quá trình phát triển. Chẳng hạn “Đại Nội về đêm”, sản phẩm được đánh giá hấp dẫn vì tính mới lạ, nhưng cách vận hành, tổ chức chưa được chuẩn bị tốt. Sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề, thưởng trà ở Đông Khuyết Đài hấp dẫn, nhưng quá kén khách. Dịch vụ thuyền Đông Á trên sông Hương, được đánh giá hấp dẫn, nhiều khách hàng lựa chọn, nhưng chỉ có hai chiếc nên không đáp ứng đủ nhu cầu của những đoàn khách lớn. Nên khả năng để tạo thành một sản phẩm tầm cỡ là chưa thể.

Sản phẩm du lịch là tập hợp các hoạt động, được bắt đầu từ khi du khách rời khỏi nơi cư trú cho tới khi kết thúc chuyến đi và trở về điểm xuất phát ban đầu. Sản phẩm du lịch bao gồm cả môi trường tự nhiên, xã hội; các hoạt động diễn ra trong chuyến du lịch; hoạt động đi lại; cơ sở hạ tầng du lịch... chứ không chỉ có các dịch vụ cơ bản như tham quan, lưu trú, ăn uống.

Theo nguyên lý phát triển, quá trình xây dựng sản phẩm luôn phải trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tổng thể, hay còn gọi là giai đoạn chuẩn bị. Ở giai đoạn này cần được thực hiện bởi sự phối hợp liên ngành giữa các nhà quản lý, hoạch định, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương.

Ở giai đoạn này, có một công đoạn vô cùng quan trọng là phân tích nhu cầu du lịch của thị trường; xác định xu hướng phát triển của thị trường; phân tích khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch của điểm đến. Từ đó, định hướng phát triển sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến. Ở tầm vĩ mô và đối với những sản phẩm lớn, có thể xoay chuyển cả ngành du lịch thì còn dựa trên việc phân tích các khía cạnh, như: Bối cảnh kinh tế - xã hội và trình độ khoa học kỹ thuật; các mối quan hệ chính trị trên thế giới; cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến sự phát triển du lịch.

Quá trình xây dựng sản phẩm cũng cần được nghiên cứu, dựa trên những phân đoạn thị trường khách theo các tiêu chí: lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, cách thức đi du lịch, giá cả, thời gian và loại hình tour.

Một điều được chỉ ra lâu nay của ngành du lịch tỉnh nhà là thiếu khảo sát nhu cầu thị trường, hoặc xây dựng nhiều sản phẩm chỉ dựa trên thế mạnh của mình mà thiếu đánh giá, phân tích để có những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu.

Chuyển sang giai đoạn thứ hai là đầu tư xây dựng các loại hình dịch vụ du lịch thực tế. Giai đoạn này được thực hiện bởi các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương là chủ yếu. Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp để xây dựng ý tưởng và thiết kế nội dung, hình thức cho sản phẩm… sự hỗ trợ của Nhà nước cũng vô cùng quan trọng bằng những cơ chế chính sách dựa trên chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tổng thể của điểm đến.

Có rất nhiều lý do khiến khách du lịch quay trở lại một điểm đến, có thể quay lại vì mối quan tâm riêng, hoặc là do tác động của điểm đến đã tạo nên sức hấp dẫn mới đối với họ. Trong đó, sản phẩm du lịch, yếu tố quyết định thu hút du khách và khiến khách quay trở lại. Vì vậy, càng chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ càng tăng tính hoàn thiện cho sản phẩm.

ĐỨC QUANG