Khu đô thị mới An Vân Dương đang dần định hình

An sinh

Nhớ lại những năm trước, cứ đến mùa mưa bão, người dân xã Hải Dương (TX. Hương Trà) phập phồng trước nỗi lo biển xâm lấn. Không ít ngôi nhà trôi theo con sóng. Tháng 5/2014, dự án (DA) xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển khu vực xã Hải Dương với mục tiêu chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn dân cư khu vực thôn Thai Dương Hạ, xã Hải Dương được đầu tư. Công trình được xây dựng bằng hệ thống kè mái nghiêng tại bờ biển bị xói lở với chiều dài 730m; kết cấu đỉnh kè kết hợp làm đường quản lý và giao thông bằng bê tông với tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Công trình hoàn thành đã trở thành cú hích trong phát triển kinh tế xã Hải Dương.

Nói như bà Nguyễn Thị Bé - một hộ dân sống dọc công trình kè Hải Dương: “Nhiều người khi trở về thăm Hải Dương đều trầm trồ vẻ đẹp của bờ biển. Công trình kè chống sạt lở bờ biển đã tạo thêm điểm nhấn thu hút rất đông lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ đó, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập…”.

Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo an toàn cho người dân, tạo cảnh quan, nhiều DA đầu tư lớn cũng bắt đầu manh nha hình thành tạo động lực trong thu hút đầu tư. Trong đó, có thể kể đến DA Khu du lịch sinh thái biển Hải Dương với quy mô 143 ha với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, hứa hẹn tạo động lực mới trong phát triển kinh tế cũng như thay đổi diện mạo khu vực.

Và hơn thế nữa

Trong năm 5 qua, từ nguồn vốn đầu tư công, các ngành, địa phương đã xây dựng thêm nhiều tuyến giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, kết nối vùng, kết nối điểm du lịch, tạo động lực phát triển và có tính chất lan tỏa như: đường Phong Điền - Điền Lộc, Thủy Phù - Vinh Thanh, Phú Mỹ - Thuận An, chợ Mai - Tân Mỹ, đường nối từ Quốc lộ 1A vào Vườn Quốc gia Bạch Mã. Các DA đầu tư hạ tầng khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô như: đê chắn sóng cảng Chân Mây, đường phía Đông đầm Lập An, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu công nghiệp và khu phi thuế quan.

Công trình đê đông phá Tam Giang đang được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công

Nhìn tổng quan từ công tác chỉnh trang đô thị Huế cũng đủ thấy những đổi thay bộ mặt đô thị nhờ các công trình đầu tư công. Trong đó phải kể đến việc đầu tư 1.400 tỷ đồng cho các DA thuộc đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô, nhất là triển khai di dời dân cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, với 2.938 hộ dân theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉnh trang một số công viên, một số tuyến đường trục chính, các tuyến đường đến các điểm di tích, làng đại học, xây dựng hạ tầng các khu dân cư, các khu đô thị, các khu tái định cư… Cùng với đó là việc thực hiện các DA ODA như: DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế, DA “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các Đô thị Xanh)” phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực quản lý đô thị, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ, nâng cao chất lượng môi trường, tạo nên bộ mặt đô thị đúng tiêu chí “xanh, sạch, sáng”.

Các đô thị Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An… được đầu tư nguồn lực để xây mới, nâng cấp các công trình hạ tầng đạt chuẩn đô thị loại IV. Hình thành các khu đô thị mới tại Khu đô thị An Vân Dương, Hương Sơ, Bàu Vá… Hệ thống nước sinh hoạt và vệ sinh công, hệ thống thu gom chất thải rắn, hạ tầng chiếu sáng đô thị đã được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.

Động lực phát triển kinh tế

Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên Huế được giao 14.386 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện 15.537 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư cân đối từ ngân sách địa phương 6.855 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 3.978 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 883 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 3.821 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui, vốn đầu tư công giai đoạn này tập trung để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, DA trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa. Trong đó, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng.

Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đã tăng cường sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực, thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công. Khắc phục các tồn tại trong quản lý ngân sách và đầu tư phát triển như đầu tư công quá mức và dàn trải, nợ xây dựng cơ bản cao. Khắc phục tình trạng chuẩn bị đầu tư kém chất lượng bằng quy định pháp lý chặt chẽ từ quy định chủ trương đầu tư; đề cao tầm quan trọng, vai trò của bước chuẩn bị đầu tư, xác định chủ trương đầu tư, đảm bảo các DA có chất lượng, hiệu quả, đúng định hướng. Kế hoạch đầu tư công được thẩm định kỹ lưỡng giúp các DA được đảm bảo về nguồn vốn và bố trí theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thứ tự ưu tiên.

Ông Nguyễn Đại Vui nhấn mạnh, năm 2020, nền kinh tế cả nước chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã tích cực chỉ đạo vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Nhiều công trình đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, một số công trình chuyển tiếp đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập của người lao động, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN