Phối hợp hành động toàn cầu, đoàn kết và hợp tác đa phương là cốt lõi để đạt thành công. Ảnh minh họa: Internet/tapchitaichinh.vn

Trong đó, APEC 2020 đã thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Putrayaja về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 và Tuyên bố chung Kuala Lumpur năm 2020 tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương diễn ra theo hình thức trực tuyến do Malaysia đăng cai tổ chức. Cùng lúc, hội nghị thượng đỉnh G20 do Saudi Arabia chủ trì cũng chứng kiến các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ cam kết mạnh mẽ trong việc phối hợp hành động toàn cầu, đoàn kết và hợp tác đa phương.

Từ APEC hướng đến một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương cởi mở, năng động, thịnh vượng

Về Hội nghị Cấp cao APEC, Tầm nhìn APEC Putrayaja 2040 sẽ thúc đẩy hơn nữa các Mục tiêu Bogor đã được đưa ra vào năm 1994 và nỗ lực đạt được mục tiêu trong năm nay. Tầm nhìn Putrayaja mong muốn hướng đến một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai, xác định 3 động lực kinh tế chính để đạt được khát vọng này, đó là Thương mại và Đầu tư; Đổi mới và số hóa; cũng như tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và toàn diện.

Ở Tuyên bố Kuala Lumpur, các nền kinh tế thành viên cũng nhất mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận công bằng với các loại vaccine an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng. Bên cạnh một số yếu tố quan trọng khác như xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phật biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán để thúc đẩy phục hồi kinh tế, các bên tham gia cũng kêu gọi thúc đẩy một môi trường thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, cũng như các chính sách bao trùm để tạo điều kiện cho sự phục hồi và tăng trưởng của khu vực hậu đại dịch.

Nhận định về chuỗi các hành động đã được triển khai, Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin ghi nhận những phản ứng từ nhiều phía đã được thực hiện ở châu Á – Thái Bình Dương, nhất là trong việc giải quyết đại dịch và điều hướng khu vực theo con đường phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền bỉ.

Thế giới trông đợi vào sự lãnh đạo của khối G20

Trong một diễn biến khác có liên quan, từ lịch sử đến hiện tại đã chứng minh khả năng lãnh đạo hiệu quả chính là yếu tố quan trọng để đem đến một thế giới an toàn, tuyệt vời và thịnh vượng hơn. Đây chính là điều mà cộng đồng quốc tế đang mong đợi khi các nhà lãnh đạo khối G20 tổ chức hội nghị, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kép về sức khỏe, kinh tế vẫn đang hoành hành.

Với việc nhân loại đang một lần nữa đứng ở ngã ba đường, Nhóm G20 gánh trên vai trách nhiệm vô cùng quan trọng. Cụ thể, kích hoạt và hiệp lực các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi Hội nghị G20 diễn ra, thế giới đã ghi nhận hơn 57 triệu ca nhiễm và hiện đã tăng lên đến hơn 60 triệu ca nhiễm COVID-19, số người tử vong do đại dịch cũng chạm ngưỡng gần 1,5 triệu người.

Đại dịch chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tính liên kết của thế giới. Lúc này, cộng đồng quốc tế bắt buộc phải củng cố lòng tin, hành động đoàn kết và hành động cùng nhau trong một phản ứng tập thể.

Toàn thế giới cho rằng khối G20 cần làm gương cho sự hợp tác quốc tế chống lại đại dịch, đặc biệt là bằng cách hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện vai trò của mình, củng cố mặt trận đoàn kết mà họ đã nhất trí xây dựng tại hội nghị thượng đỉnh bất thường tổ chức vào hồi tháng 3.

Xem xét vai trò của vaccine, G20 nên thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và phân phối vaccine, kiên quyết bác bỏ chủ nghĩa dân tộc vaccine. G20 cần ra tay hành động để đảm bảo nguồn vaccine an toàn và hiệu quả sẽ được coi là hàng hóa công cộng toàn cầu, luôn sẵn có với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, đặc biệt là người dân ở các nước đang phát triển và kém phát triển nhất.

Nhiệm vụ khó khăn khác được kỳ vọng khối G20 giải quyết là giải cứu nền kinh tế toàn cầu ra khỏi cuộc suy thoái sâu nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, đưa nó trở về con đường tăng trưởng ổn định. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã đưa ra ước tính, nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm mạnh khoảng 4,4% trong năm 2020, nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra hồi năm 2008. Chính điều này đã khiến G20 nâng cấp diễn đàn bộ trưởng lên thành hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo để tiến đến thảo luận, đưa ra phương án giải quyết triệt để và hiệu quả hơn.

Với tư cách là những nền kinh tế hàng đầu, các thành viên G20 cần gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, họ sẽ tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng người và hàng hóa xuyên biên giới trong bối cảnh đại dịch, duy trì thị trường tài chính toàn cầu ổn định, duy trì chuỗi cung ứng và công nghiệp nguyên vẹn, mạnh mẽ.

Phục hồi toàn diện kinh tế toàn cầu đòi hỏi sự cởi mở hơn. Do đó, các thành viên G20 nên dẫn đầu trong việc chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ..., xây dựng một nền kinh tế toàn cầu cởi mở và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương với cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhân loại đang một lần nữa đối mặt với thách thức cực đại và mọi con mắt đều đang đổ dồn về những người dẫn đầu. G20 – nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới nên trả lời lời kêu gọi và giúp đảm bảo lần này, thế giới sẽ trở lại an toàn và tốt đẹp hơn.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ The Edge Market, Worldmeters & Khmer Times)