Kiểm tra thân nhiệt du khách khi vào cổng tham quan di sản Huế trong thời gian dịch bệnh COVID-19 

Linh hoạt ứng phó

Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các giải pháp chiến lược, tăng cường năng lực cho ngành du lịch trong và sau đại dịch COVID-19.

Cụ thể, theo ông Kiên, đầu tiên phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng thu của ngành du lịch trong 2-3 năm tới. Thứ hai là tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vắc xin COVID-19. Và cuối cùng là các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang cần có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường, tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vắc xin.

Cũng đồng quan điểm, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Saigontourist cho rằng không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch. Ông Tài cho biết một khảo sát của đơn vị, bên cạnh lo lắng sức khỏe, người dân còn lo lắng về tài chính, làm sao có thể về nhà an toàn, “đi đến nơi, về đến chốn”.

Do vậy, các bộ ngành, địa phương nên có cơ chế kịch bản phối hợp, ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay khi xuất hiện ca nhiễm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển. “Ngành du lịch Việt Nam cần “sống chung với lũ”, linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề có thể xảy đến. Khi dịch bệnh kiểm soát được, ngành du lịch lập tức mở cửa trở lại”, ông Tài nói thêm.

Cần gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel đề nghị cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau COVID-19. Theo ông Kỳ, nên gia hạn thêm thời gian nộp thuế kéo dài 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với cá nhân gia hạn kéo dài 12 tháng đối với thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động làm việc trong ngành du lịch. Đồng thời gia hạn đến 12 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp lữ hành. Hiện tại nếu chỉ gia hạn 5 tháng thì doanh nghiệp không đủ thời gian tái tạo và hồi phục.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay cho các doanh nghiệp lữ hành. Đối với những khoản vay cũ, các ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản dư nợ cũ. Đồng thời thực hiện giảm phí thanh toán, sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh trở lại. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn lãi suất ưu đãi nhất để trả lương cho người lao động trong thời gian 12 tháng.

“Doanh nghiệp trong ngành du lịch mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của ngành ngân hàng bởi những yếu tố này góp phần quyết định sự sống còn của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…”, ông Kỳ nói.

Du khách tham qua Hoàng cung Huế thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19

Cùng trăn trở về những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Tổng giám đốc Tập đoàn Sunworld – Dương Phú Nam nói rằng, năm 2021 chúng ta vấn chưa thể trả lời được câu hỏi “Bao giờ mở cửa bầu trời quốc tế?”. Vì thế, thị trường nội địa vẫn là trọng tâm nên các chuyến bay nội địa cần được đẩy mạnh để kích cầu.

Do đó, nếu Chính phủ có chính sách trợ giá cho các hãng hàng không thì thị trường sẽ được hồi phục nhanh chóng hơn. Ông Nam lấy ví dụ từ Thái Lan, khi chính phủ nước này chi ngân sách trợ giá vé máy bay để làm giá tour hấp dẫn hơn. Thái Lan đã đón 39,8 triệu lượt khách năm 2019, xếp thứ 8 thế giới và số 2 châu Á về lượng khách.

Ngành du lịch thu được nhiều hơn từ chi tiêu cho khách sạn, lưu trú, ăn uống, mua sắm, tiêu dùng, và thuế. “Ước tính, việc “mở cửa bầu trời nội địa” cũng sẽ giúp chúng ta khai thác được khoảng 10 triệu người Việt Nam thường xuyên đi du lịch nước ngoài hàng năm”, ông Nam tính toán.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, du lịch hiện nay phải hướng đến chất lượng và tập trung ở tất cả phân khúc. Chủ động tái cơ cấu thị trường khách, tập trung hơn cho thị trường khách nội địa để người Việt có thể trải nghiệm các dịch vụ cao cấp mà trước đây dành cho khách quốc tế.

Song song với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến dữ liệu hóa, tạo nền tảng số hóa tất cả dịch vụ, điểm đến giúp khách trải nghiệm thuận lợi. Ngoài ra, an toàn du lịch phải trên hết nhằm hạn chế rủi ro, tránh đứt gãy các hoạt động xã hội, nhất là vận chuyển, du lịch. Đặc biệt, tất cả địa phương cùng nắm tay nhau hành động cùng vượt qua khó khăn, hướng đến sự phát triển mới.

Bài, ảnh: NHẬT MINH