Nghinh Lương đình ngày nước lũ - ảnh minh họa từ internet

Sống giữa lòng Huế thương, xưa và nay, khi đã có tình thì từ vua, quan, thân vương, công chúa cho đến người bình dân không còn ngăn cách. Một con đò của ông chài Trần Cao Vân, một chiếc thuyền câu của Trần Thái Phiên có thời áp sát Nghinh Lương Đình để hầu chuyện với nhà vua về vận nước. Một số nhà thơ lớn ở Huế, xuất thân hoàng tộc, góp một phần không nhỏ vào di sản văn hóa nhân loại, không chỉ có vốn học được đào tạo bài bản mà còn có trái tim nhân hậu, yêu nước thương nòi, trên một căn bản “thân dân”. Khi làm thơ, họ không còn nhớ chức này tước nọ, không còn biết phủ nọ phòng kia mà hòa vào cõi người ngụp lặn trong vòng sinh lão bệnh tử. Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhà thơ Huế như rứa. Người Huế xưa là như rứa.
 
Một mệ già chống gậy bước lêu xêu, tay ni cầm xấp vé số, tay tê chìa ra với bàn tay ngửa, mồm không mấp máy… Trong mắt mệ già, có tiếng thơ Ưng Bình lay động: “Ai xuống võng lên dù/Ai gài đai đội mão/Có sẵn đức nhân từ/Có động lòng áo não/Giúp cho kẻ cơ hàn/Đặng nhờ nơi ôn bão”. Hồn nhà thơ Ưng Bình còn phãng phất mô đó, chia sẻ tâm cảm của mệ già : “Giẻ rách kiếm không ra/Lấy chi mà vá áo/Đã gần tiết thu đông/Đã gần mùa lụt bão/Nón lủng tơi rách xài/Bước đường khôn gượng gạo”…
 
Muôn nỗi cảm hoài, những nhà thơ lớn Nguyễn Du, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Cao Bá Quát…lại hiện về theo từng gợn sóng trên mặt nước sông Hương, cùng với Ưng Bình day dứt những lời trách móc: “Chớ đổ cho vận mạng người đời/Chớ đổ cho quyền hành ông Tạo”. Bên nớ, Nghinh Lương Đình như ngụp lặn giữa dòng đục mùa lụt, hối hả xuôi về đông.
 
 Phương Thi