Nếu không vì những sai sót, cẩu thả trên sách giáo khoa nói riêng và những loại sách tham khảo, nghiên cứu khác nói chung được xuất bản lâu nay thì sự tranh cãi này sẽ không gay cấn đến thế.

Những sai sót, cẩu thả trong sách xuất bản thời gian qua được giáo viên, phụ huynh, bạn đọc phát hiện, khiến dư luận không khỏi giật mình. Chất trào phúng vốn là đặc trưng làm nên danh hiệu nhà thơ Tú Mỡ. Vậy mà trong bài thơ “Thương ông” của nhà thơ, được sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 đăng lại, tự ý cắt bỏ ngang nhiều khổ, làm cho tứ thơ bị hỏng, hình tượng hóm hỉnh một cách dễ thương đã không còn, bài thơ trở nên khô khan. Rồi sai lỗi chính tả trong sách như cuốn chuẩn bị cho bé vào lớp 1 làm quen với chữ cái của NXB Mỹ thuật in ấn, “thùng rác” thì viết thành “thùng giác”; “con ngựa” thì viết thành “quả ngựa”… Ngay cả từ điển tiếng Việt cho học sinh cũng biên soạn sai. Từ “bắc thang” thì không giải thích theo nghĩa đen mà giải thích theo nghĩa bóng rằng, bắc thang là xúi dục, giúp đỡ, bắc thang cho con leo; từ “ếch” thì giải thích là con nhái to, từ “nhái” thì giải thích con ếch nhỏ; mà thực ra, ếch và nhái là 2 loài khác nhau… Rồi những bài toán cho học sinh tiểu học theo kiểu thách đố, dùng mẹo chứ không dùng phương pháp để giải, làm cho nhiều phụ huynh có kiến thức cũng phải “bó tay”, buộc phải cho con đi học thêm… Ngoài ra, còn vô vàn những sai sót ngớ ngẩn, nguy hiểm khác, làm cho phụ huynh không yên tâm.

Nguyên nhân trước tiên là do kiến thức của người biên soạn; thứ hai là do khâu morat không kỹ, thứ ba là do khâu kiểm duyệt không nghiêm. Một số trường hợp tuy ghi tên hội đồng biên soạn với những học hàm, học vị cao nhưng thực chất là các nhà xuất bản, tác giả mượn danh để tạo uy tín cho tác phẩm…

Mục đích của chương trình sách giáo khoa mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân; giáo dục hướng đến toàn diện nhưng vẫn đảm bảo phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, trang bị kiến thức nhưng vẫn bồi đắp đạo đức, lối sống, trang bị kỹ năng tự học, sáng tạo… Mục đích đưa ra với nhiều ưu việt, song, rất cần phải chuẩn; từ việc chọn chủ biên, đọc dò, đến kiểm duyệt xuất bản. Nên chăng, khi hoàn thành tác phẩm sách giáo khoa mới cần trải qua quá trình phát hành thử nghiệm, lấy ý kiến đóng góp của toàn xã hội, trước lúc xuất bản đại trà!

Đặng Thành