So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Trong 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%), cụ thể: vốn Trung ương quản lý đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch năm và tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 333,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% và tăng 28,7%.

Để đạt được mục tiêu hoàn thoàn kế hoạch giải ngân vốn trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trước mắt, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với đó, các bộ, địa phương cần tập trung rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư do mình quản lý, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2020 và những năm trước chuyển sang.

“Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu nhiễu, vị phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong tổng vốn đầu tư, có nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2020 có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 316,4 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 174 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TTXVN