Đại tướng Lê Đức Anh trong lần về thăm và làm việc tại quê nhà. Ảnh: Diên Thống

1. Đồng chí Lê Đức Anh là con thứ 7 trong 9 người con của ông bà Lê Quang Túy. Tất cả đều sinh ra ở làng Trừng Hà, xã Vinh Phú (nay là xã Phú Gia), huyện Phú Vang. Lên 5 tuổi, đồng chí bắt đầu học chữ Nho tại nhà. Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và Trường An Lương Đông, huyện Phú Lộc.

Tháng 4/1930, tức 2 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ tỉnh chính thức được thành lập. Ở Phú Vang, tháng 1/1930, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn liên huyện Phú Vang - Phú Lộc được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Tram, Trương Luyện (Phú Vang) và Lê Bá Dị (Phú Lộc) do đồng chí Lê Bá Dị làm Bí thư.

Được sự chỉ dẫn của đồng chí Lê Bá Dị, các đồng chí đảng viên nòng cốt ở Phú Gia bí mật chuẩn bị cờ đỏ, truyền đơn. Đêm 30/4, rạng sáng 1/5/1930, các đồng chí Hoàng Trọng Viễn, Đỗ Tram đã treo cờ Đảng lên ngọn cây phi lao ở chợ Trừng Hà. Truyền đơn cũng được rải một số nơi như Hà Thanh, Thanh Lam, Trừng Hà, Dưỡng Mong, Mộc Trụ, Viễn Trình..., kêu gọi nông dân đấu tranh đòi giảm sưu thuế, chống đế quốc, chống chiến tranh, tuyên truyền về Đảng.

 Tháng 8/1930, tin tức về phong trào Xô viết -Nghệ Tĩnh dội vào Thừa Thiên. Tỉnh ủy phát động phong trào ủng hộ Xô viết - Nghệ Tĩnh, chống chính sách khủng bố dã man của địch.

Tháng 9/1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Phú Vang, Nhân dân Phú Gia cùng với Nhân dân các xã lân cận đã tổ chức một cuộc mít-tinh ở trảng cát phía nam làng Mộc Trụ. Tại cuộc mít-tinh, các đồng chí đảng viên tố cáo tội ác của thực dân Pháp ném bom hủy diệt Hưng Nguyên, tàn sát dã man dân lành. Cuộc mít-tinh đã chứng tỏ tình đoàn kết giai cấp, tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, ý thức giác ngộ cách mạng của Nhân dân Phú Vang nói chung và đồng chí Lê Đức Anh nói riêng khi có sự lãnh đạo của Đảng.

Năm 11 tuổi, đồng chí ra học tại thành phố Vinh (Nghệ An). Học hết tiểu học, trở về quê Phú Gia giúp đỡ cha mẹ làm nông. Năm 15 tuổi, đồng chí đi làm gia sư, dạy chữ Quốc ngữ cho một số con cháu của người bà con trong làng, chủ yếu là ở Dưỡng Mong, rồi sau đó đi làm gia sư ở Huế.

Hội nghị Trung ương tháng 7/1936 quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do cơm áo, dân chủ, hòa bình. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã kịp thời phát động phong trào đấu tranh rầm rộ khắp các địa phương theo tinh thần mà Trung ương đã chỉ ra và đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng yêu nước thương dân, muốn đi làm cách mạng của người thanh niên Lê Đức Anh lúc này.

2. Từ chỗ được giao việc đọc sách, báo cho dân chúng nghe, đồng chí Lê Đức Anh được giác ngộ và năm 17 tuổi chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Đầu năm 1937, nghe tin đại diện của Chính phủ Pháp sẽ sang điều tra tình hình ở Đông Dương, một cuộc vận động rất sôi nổi đã diễn ra ở Thừa Thiên Huế. Đồng chí Lê Đức Anh được đồng chí Hồ Nguyên giao nhiệm vụ vận động lấy chữ ký của nông dân các làng vào danh sách yêu cầu đối với thực dân Pháp. Cuộc vận động hồi đó gọi là "lấy yêu cầu" chứ không nói là "yêu sách", trong đó có hai nội dung rất thiết thực đối với dân chúng, một là giảm thuế điền thổ, hai là bỏ thuế thân. Được sự động viên của người cha, đồng chí Lê Đức Anh đã tích cực vận động quần chúng địa phương. "Phong trào dân chủ" đã nhanh chóng trở nên sôi nổi, rộng khắp. Từ chỗ đấu tranh đòi giảm thuế đã tiến tới đòi giảm đi xâu, giảm sưu, giảm phu phen lao dịch, đòi tự do, hòa bình. Đây là cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu, thể hiện khí thế đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân nhằm thực hiện khẩu hiệu của Mặt trận Dân chủ do Đảng lãnh đạo.

Tháng 10/1939, thực dân Pháp thực hiện cuộc khủng bố ở Thừa Thiên. Nhiều đảng viên ở huyện Phú Vang bị bắt. Hệ thống cơ sở bị vỡ, phong trào cách mạng Phú Vang bị tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, tổ chức cộng sản chủ trương: tất cả đảng viên rút vào hoạt động bí mật, tự thân di tản để bảo toàn lực lượng, khi có thời cơ thì tìm cách bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động cách mạng. Theo sự chỉ đạo của cấp trên “Cậu phải lánh đi ngay không là nó bắt”, đồng chí Lê Đức Anh phải rút vào hoạt động bí mật. Để rồi “một ngày cuối năm 1939, tôi bí mật ra đi. Đêm hôm trước, tôi và ba tôi đã tâm sự nhiều điều. Biết tình hình địch vây ráp, bắt bớ, nên ba tôi khuyên:“Trong thời buổi khó khăn này, con phải tự lo cho bản thân và giữ sức khỏe. Ba má và gia đình rất tin tưởng con”. Thế là một quãng đời mới của tôi bắt đầu - quãng đời xa quê hương, tự lực kiếm sống để có điều kiện hoạt động, sớm tìm đến với tổ chức cách mạng” (trích Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh).

Ngô Minh Thuấn

(Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh)