1. Trong thực tế, vô số cách thức khi người ta đã có chức vụ dành sự vun vén cho dòng họ và các mối quan hệ cá nhân. Ở một vùng quê, người ta nói con đường to đẹp chạy về tận thôn, xã do ông A cho xây dựng; nhà thờ họ đẹp nhất nhì trong vùng do ông B tài trợ. Dân làng, bà con không ngớt lời ca ngợi, tự hào vì "nhờ hồng phúc" mà có người trong họ tộc làm to, có lòng thơm thảo. Biết rằng họ không bỏ ra một đồng tiền túi nào, nhưng dân làng vẫn không hết lòng biết ơn. Khi xin làm việc trong cơ quan bị trở ngại, chỉ cần nhờ một cuộc điện thoại hoặc thư tay của sếp “gửi” cho, xem như xong việc. Như vậy mới thấy được “giá trị” của người làm quan mà người bình thường khó có thể làm được. Cũng từ đó không ít người lợi dụng mượn “hơi hùm dọa khỉ” để răn đe, dằn mặt người khác dưới “mác” con cháu ông này, ông nọ. Khi vi phạm pháp luật cũng thường tìm đến người làm to nhờ vả can thiệp giảm án, chạy tội...Còn trăm ngàn cách thức “được nhờ” dạng như vậy xuất hiện ngày càng nhiều.

Đáng nói nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ. Ở các cơ quan, doanh nghiệp, không ít người cố “nhét” cho được con, cháu, người thân vào cơ quan. Khi đã yên vị, bắt đầu tính đến biên chế, bố trí nơi có nhiều quyền lợi dù chưa đủ trình độ, tiêu chuẩn. Khi chín muồi mới bắt đầu “chu kỳ” quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn. Tất nhiên là phải là vị trí có nhiều bổng lộc, tương lai phát triển…Chẳng may bị thanh tra phát hiện, người ta đều viện ra ra lý do là “khách quan”, “đúng quy trình” để biện minh.

Câu hỏi đặt ra tại sao cũng quy trình đó nhưng không phải là người có trình độ, năng lực hơn mà lại là bà con, người thân của lãnh đạo? Thực ra, quy trình đề ra rất đúng nhưng khi vận hành được phù phép, biến tướng chỉ còn là hình thức, không thiếu lý do được ẩn mình sau các mối quan hệ. Từ “một người làm quan” dần dần trở thành “cả họ làm quan”, “ đồng hương trị”, “dòng họ trị”, "gia đình trị"… ở không ít cơ quan, địa phương. Công tác cán bộ kiểu thế này không còn là chuyện hiếm, không chỉ một vài nơi.

2. Mỗi làng, xã hay rộng hơn cả tỉnh, cả nước không ít dòng họ có một hoặc nhiều người làm quan (lãnh đạo) từ nhỏ cho đến lớn. Hiểu nghĩa họ hàng không chỉ nội tộc, ngoại tộc mà còn cả những quan hệ ngang dọc, trên dưới, đồng hương, bạn bè và cả những mối quan hệ qua lại khác.

Cũng phải hiểu “nhờ” ở đây không hẳn là xấu, đó còn là nét đẹp về tình người, tình nghĩa giúp nhau. Đó là tâm lý, dù không hẳn là xấu nhưng lại được hiểu theo nghĩa “cả họ được nhờ” không còn là tình cảm mà còn mang tính tiêu cực. Khi có chức quyền người ta sẽ lợi dụng mọi sơ hở để đề ra quy định có lợi cục bộ cho cho dòng họ, cho người thân. Đây chính là mầm mống của lợi ích nhóm dành “ban phát” trong một bộ phận quan hệ cùng có lợi. Lợi dụng quyền để buộc cấp dưới hoặc người khác phải xử lý, giải quyết theo yêu cầu của lãnh đạo (chẳng hạn như đưa dự án làm con đường về quê). Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa của nhiều hiện tượng tiêu cực khó được phanh phui. Cá nhân tham nhũng còn sợ bị phát hiện, nhưng khi một nhóm cùng được hưởng lợi ích sẽ tìm cách che chắn, bao bọc cho nhau, mức độ an toàn cao hơn. Đó cũng là lý do tại sao tham nhũng tồn tại khá dài trong nhiều cơ quan, địa phương.

 Nhiệm kỳ IX, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 11- QĐ/TW “Về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo”. Đây vừa là giải pháp đào tạo, bồi dưỡng thực tế cho lãnh đạo, nhưng cũng là biện pháp nhằm hạn chế lạm dụng quyền lực cho dòng họ, người thân. Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) ban hành Nghị quyết “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác luân chuyển, bố trí bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương. Một số lĩnh vực nhạy cảm cũng được định kỳ luân chuyển, không bổ nhiệm vào vị trí chủ chốt.

Cùng với đó là quy định “Những điều đảng viên không được làm”, “Quy định trách nhiệm nêu gương…”, Quy định 205 về kiểm soát quyền lực… đã làm cho nạn lợi dụng quyền lực bị hạn chế. Tuy nhiên, lạm dụng quyền lực nếu không đặt trong cơ chế chặt chẽ, kiểm soát thường xuyên sẽ khó được ngăn chặn hiệu quả. Do đó, đòi hỏi các cấp phải đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa, giao quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực, trong đó có “quyền” dành lợi ích cho người thân quen.

Những quy định hay luật dù có chặt chẽ đến đâu cũng chỉ có tác dụng ràng buộc, hạn chế, không thể thay cho phẩm chất đạo đức trong sáng, liêm khiết, vì sự nghiệp chung. Công tâm, khách quan, dám hy sinh quyền lợi cá nhân của người lãnh đạo chính là làm cho dân, cho nước được “nhờ”, không chỉ dành riêng cho một “dòng họ”, một "gia đình" nào.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH