Miếu thờ Ngài khai canh làng La Chữ tồn tại trên 500 năm. Miếu rộng khoảng 2.000m2. Trong miếu có nhiều cây cối tỏa bóng mát. Miếu được bao bọc tường rào xây 3 mặt xung quanh và tráng xi măng nền đường ra vào miếu và sân miếu. Hiện, miếu do các cụ cao tuổi phường Trung quản lý, hương khói, thờ tự. Ông Phan Văn Tráng, Ban chấp hành phụ lão của phường Trung cho biết, buổi trưa, chiều lợi dụng bóng mát của cây cối và nền sân miếu, gia đình bà Phương đã cho bàn, ghế vào để bán cho khách nhậu nhẹt, uống nước. Không chỉ vậy, khách vào đây còn tiểu tiện trong miếu làm mất đi sự tôn nghiêm của ngôi miếu. Vừa qua, Ban chấp hành cụ lão phường Trung họp để quyết định xây nốt phần tường bao quanh còn lại để bảo vệ miếu nhưng do quán tạm nằm trên đất miếu nên không thể xây dựng được.

Quán tạm tại phần đất miếu Ngài khai canh Hà Quý Công do gia đình bà Lê Thị Phương và ông Hà Thúc Nho kinh doanh, sử dụng. Theo bà Phương, được sự đồng ý của làng, khoảng năm 1983, gia đình bà mở quán nhỏ trên đất của miếu để buôn bán nước chè xanh. Đến nay, để phục vụ cho người dân và học sinh trên địa bàn xã, quán bán thêm bánh, kẹo, nước giải khát các loại...Quán chật, nên đôi lúc cũng có bỏ bàn ghế ra hè đường, vào trong miếu để bán.

Quán tạm bà Phương, ông Nho một phần nằm trong đất miếu, một phần nhô ra đường chính
 
Qua đường dây nóng của Báo Thừa Thiên Huế, người dân làng La Chữ (xin được dấu tên) phản ánh, cùng là người dân trong làng nên không ai dám yêu cầu thẳng thừng bà Phương và ông Nho dẹp bỏ quán tạm, bởi sợ mất lòng nhau. Tuy nhiên, do đã không còn là quán tạm theo đúng nghĩa nữa nên rất cần được dẹp bỏ. Quán tạm hoạt động không chỉ làm mất vẻ mỹ quan của miếu, ảnh hưởng đến chốn linh thiêng của làng mà còn ảnh hưởng đến cả giao thông đi lại. Qua thực tế và quan sát chúng tôi nhận thấy, quán tạm rộng khoảng hơn 4m2, một phần quán nằm trong đất miếu, một phần nằm nhô ra đường. Đây là con đường chính dẫn vào xã Hương Chữ. Trước quán là trường THCS Hương Chữ. Vì vậy, lượng người lưu thông qua lại rất đông. Tại quán tạm, nhiều hàng hóa được bày ra bán, kể cả các loại nước giải khát và cả bia... Trong miếu, vài bộ bàn ghế được bày ra để phục vụ khi có khách nghỉ chân, uống nước. Việc người dân phản ánh những vấn đề liên quan đến quán tạm này là có thật.
 
Ông Lê Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Hương Chữ xác nhận, quán tạm này tồn tại đã lâu. Việc quán tạm bà Phương, ông Nho tồn tại trên đất miếu là do làng và các cụ cao tuổi ở phường Trung cho phép. Hiện nay, địa phương vẫn chưa nhận được bất kỳ tờ trình nào của các hộ dân cũng như các cụ cao tuổi phường Trung phản ánh về những vấn đề nảy sinh khi tồn tại quán tạm này. Tuy nhiên, xét về mặt giao thông, quán tạm hoạt động ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ vận động, thuyết phục để gia đình bà Phương, ông Nho tháo dỡ quán tạm, trả lại cảnh quan môi trường cho nơi tôn nghiêm này; đồng thời đảm bảo giao thông đi lại cho người dân, nhất là khi học sinh trường THCS Hương Chữ tan học. Nếu bà Phương, ông Nho không chấp hành, các cụ cao tuổi phường Trung có ý kiến, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ quán .
 
Hải Huế