BHXH huyện A Lưới cùng các đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền

Từ những giải pháp phù hợp

Ghé lại xã Hương Phong, câu chuyện mua BH được nhiều người dân nhắc tới. Chị Nguyễn Thị Chung, cán bộ chính sách xã hội, cũng là đại lý thu BH ở xã Hương Phong hồ hởi : “Tháng 11/2020, mình thuyết phục người dân và làm được một hồ sơ lớn với mức đóng một lần đến hơn 100 triệu đồng. Năm 2020 cũng là năm thành công ngoài mong đợi, khi có thêm gần 40 hộ đóng BHXH”.

Chuyện từ xã Hương Phong không phải cá biệt mà theo ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc BHXH huyện A Lưới, phải so sánh thời điểm trước và sau khi thực hiện Nghị quyết 21, mới thấy những tín hiệu khởi sắc. Dẫn chứng bằng những số liệu cập nhật mới, ông Hiển nói bằng giọng đầy phấn khởi: “Chỉ sau 4 tháng gần nhất (6 – 10/2020), đã có thêm khoảng 270 người tham gia BHXH tự nguyện”.

Nhớ lại trước năm 2012, ông Hiển bảo, công tác mở rộng đối tượng BH thời điểm ấy vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm, tỷ lệ người tham gia BH thấp. Sau khi triển khai Nghị quyết 21, hiệu quả thấy rõ. Tính đến 31/10/2020, có 5.137 người tham gia BHXH, tăng 1.391 người so với năm 2012. Trong đó, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng đến 953 người (648%, từ 147 người năm 2012 lên 1.100 người đến tháng 10/2020). Số lượng người tham gia BHTN đạt 2.610 người, tăng 813 người so với năm 2012, trong khi đó có 49.324 người tham gia BHYT, đạt 97,8% dân số toàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, để có được những thành công trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng chương trình hành động về triển khai Nghị quyết 21 và UBND huyện cũng ban hành kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện. HĐND huyện và các xã, thị trấn đã đưa chỉ tiêu tham gia BHXH, BHYT vào Nghị quyết hằng năm để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ban ngành, tổ chức trong toàn huyện triển khai thực hiện.

Theo lãnh đạo BHXH huyện A Lưới, cùng với việc thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo liên quan công tác BH, BHXH huyện cũng đẩy mạnh phối hợp với các ban, ngành, địa phương; thực hiện công tác phối hợp liên ngành hiệu quả qua những quy chế được ký kết đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông. Theo ông Hiển, truyền thông được triển khai đa dạng phong phú, từ tuyên truyền trực tiếp tại hội nghị, tờ rơi, áp phích.

“Chỉ riêng BHXH tự nguyện, chúng tôi hướng đến 6 nhóm đối tượng để vận động, đặc biệt là nhóm đối tượng bảo vệ rừng theo khoán và cán bộ xã không chuyên trách. Đơn cử như nhóm đối tượng bảo vệ rừng theo khoán, được trả lương theo 3 – 6 tháng. Chúng tôi phối hợp ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên. Khi họ nhận lương từng đợt, sẽ tiết kiệm đóng bảo hiểm. Hiện đã có 70 người trong nhóm đối tượng này tham gia”, ông Hiển cho biết.

Rà soát, vận động người dân mua BHYT

Thành công từ những giải pháp trên tạo tiền đề cho huyện A Lưới vận dụng, thực hiện những nhiệm vụ giai đoạn sắp tới. Hiện, số lượng người dân ở huyện A Lưới có thẻ BHYT cao, nhưng rất nhiều trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ BHYT.

Trong khi đó, đại diện BHXH huyện A Lưới cho biết, theo một số quy định của Chính phủ, người dân sinh sống tại các thôn, xã có tên trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 được Ngân sách Nhà nước đóng BHYT đến hết ngày 31/12/2020. Trường hợp không có sự thay đổi hay gia hạn thời gian theo các quy định liên quan, một số thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn, người dân sẽ không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Việc vận động họ mua BHYT là bài toán trước mắt. “Năm 2019, xã A Ngo đạt chuẩn nông thôn mới nên thôn A Ngo thuộc xã A Ngo cũng sẽ không còn trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135”, ông Hồ Viết Ái, Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới cho biết thêm.

Ông Hiển khẳng định, hiện vẫn còn chờ Quyết định từ Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc có ban hành quy định liên quan đến giai đoạn mới từ năm 2021 (về việc có gia hạn, kéo dài thời gian quy định trước đó). Tuy nhiên, BHXH huyện đang phối hợp Phòng Dân tộc và Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện chủ động rà soát lại các đối tượng sắp tới không còn được hỗ trợ BHYT (theo quy định hiện hành) để tập trung tuyên truyền, vận động sớm. Trong đó, sẽ tham mưu Huyện ủy, UBND huyện để hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thông báo đến người dân chủ động, không để ảnh hưởng, gián đoạn quyền lợi BHYT.

Tùy tình hình thực tiễn các địa phương, những giải pháp vừa qua cũng sẽ được áp dụng, nhất là sẽ cùng với các ban, ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc