Diễn viên Lâm Vỹ Dạ thăm quê

Cảm nhận Huế từ nghệ danh

Là diễn viên hài quen thuộc của sân khấu kịch Nụ Cười Mới. Khán giả biết đến Lâm Vỹ Dạ qua những tiểu phẩm diễn cùng Trường Giang và trong chương trình Ơn giời cậu đây rồi! Cô đã 2 lần liên tiếp nhận được giải thưởng Mai Vàng ở hạng mục Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất năm 2018 và 2019. Trước đó, cô học khóa Diễn viên kịch và điện ảnh tại Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.

Lâm Vỹ Dạ hiện là nữ nghệ sĩ hài được rất nhiều khán giả yêu mến bởi lối diễn xuất duyên dáng cùng gương mặt xinh đẹp dễ thương, đặc biệt là tính cách luôn hết mình trong các chương trình. Giọng miền Nam đặc sệt nhưng ít người biết gốc gác Huế của Lâm Vỹ Dạ. Cách đây không lâu, có nhà báo tò mò muốn cô có vài bật mí về cái tên hơi đặc biệt của mình. Lâm Vỹ Dạ nói ngay, nguyên quán của Dạ là Thừa Thiên Huế nên mình cũng có chút xíu máu Huế trong người. Chính vì vậy, ba mình mới đặt tên Lê Thị Vỹ Dạ cho mình và từ đó mà có nghệ danh Lâm Vỹ Dạ. 

Gốc gác Huế cũng thể hiện rõ nét đúng là cô gái gốc Huế đảm đang, khi rời sân khấu trở về nhà, Lâm Vỹ Dạ là người phụ nữ của gia đình, vào bếp nấu nhiều món ăn ngon chiêu đãi chồng con. Nếu trên sân khấu là người mang lại nhiều niềm vui, cảm xúc tới cho khán giả thì khi trở về nhà, Lâm Vỹ Dạ lại đúng chuẩn bà mẹ đảm đang, là người giữ lửa, chăm lo cho gia đình nhỏ.

Nơi hội tụ, thành phố Hồ Chí Minh

Tôi thích xem hài kịch như một cách thư giãn cho riêng mình. Bật tivi hay vô youtube xem, đôi khi rảnh rỗi lại lên google tra gốc gác diễn viên và có cảm giác như bắt được của quý khi biết một diễn viên hài nào đó là người Huế hay ít nhất cũng có gốc gác Huế.

Thì ra, Huế cũng có nhiều nghệ sĩ hài sáng giá và đáng nói hơn chủ yếu lại là nữ. Thuộc vào lớp “ôn, mệ” và khá bất ngờ nghệ sĩ hài gốc Huế có má Ngọc Giàu, dòng dõi quý phi Lê Ngọc Bình. Bà được biết đến là một cây đại thụ trong làng cải lương và nghệ thuật sân khấu Nam bộ, là một nghệ sĩ Nhân dân chuyên trị cải lương, phim ảnh và hài kịch. NSND Ngọc Giàu bắt đầu đến với hài vào năm 1984 khi lần đầu tiên cải lương Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người” trên đất Pháp. Trong vở Đời Cô Lựu của cố soạn giả Trần Hữu Trang, Ngọc Giàu đã kiến trúc thành công một vai diễn để đời: Cô Bảy Cán Vá. Cái hay của Ngọc Giàu là với cánh tay cán vá, người xem không cảm thấy một dị tật bị đem lên làm trò hề trên sân khấu, mà trái lại, bắt đầu cảm thấy nó duyên dáng làm sao.

Đang khá nổi tiếng hiện nay có Cát Tường, sinh ra ở Huế, chuyển vào sinh sống tại Vĩnh Long từ năm 4 tuổi, đậu thủ khoa đầu vào của Đại học Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, ra trường tham gia diễn kịch, làm ca sĩ, đóng phim và làm người dẫn chương trình truyền hình. Cát Tường là người dẫn chương trình duyên dáng, hóm hỉnh, có duyên và hay nhất trong các nữ MC dẫn chương trình “Bạn muốn hẹn hò” nổi tiếng. Làng hài TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều gương mặt nữ ấn tượng, tiêu biểu như Nam Thư, quê gốc Huế, được biết với danh hiệu “Kiều nữ làng hài”, cô diễn viên trẻ Phương Lan, hay anh chàng Phát La trong sitcom “Gia đình là số 1”.

Khó tìm giọng Huế

Bộ phim Gái già lắm chiêu của Nam Cito và Bảo Nhân thu hút được sự quan tâm của người xem có nhiều yếu tố Huế, từ phong cảnh, di tích văn hóa, ẩm thực đến chất giọng… Huế. Trong buổi họp báo bộ phim ra mắt Gái già lắm chiêu 3, không phải Hồng Vân hay Lê Khanh mà chính là Phương Lan là diễn viên nhận được sự vỗ tay tán thưởng và khen tặng vì vai diễn rất duyên, cô gái trong phim vừa hài hước lại nói tiếng Huế ngọt ngào. Khi trả lời thắc mắc báo chí, Phương Lan bị đề nghị phải trả lời bằng giọng Huế chứ không phải giọng miền Nam cô giao tiếp thường ngày. Phương Lan có bố là người Huế, mẹ người Đà Nẵng và sinh ra, lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh.

Như một sự phân chia “bất thành văn”, chất giọng sân khấu kịch và cả nhiều loại hình văn hóa nữa đều theo chuẩn Bắc (giọng Hà Nội) hay Nam (giọng Sài Gòn). Đó cũng là lý do khiến cho muốn theo nghề và sống được với nghề, như Lâm Vỹ Dạ, Cát Tường hay nhiều diễn viên hài người Huế hay có gốc gác Cố đô phải đổi giọng và có không ít trường hợp bỏ luôn cái giọng Huế cha sinh mẹ dưỡng của mình để hòa nhập với nghề nghiệp và cả môi trường sống. Không chỉ giọng Huế mà cả giọng của nhiều địa phương khác nữa trong nước, như Quảng Nam, Hà Tĩnh… cũng vậy. Để rồi trên sân khấu, đặc biệt là sân khấu hài, đôi khi người xem bắt gặp chất giọng Huế cất lên bất ngờ, khiến họ cười “đau cả bụng”, chửi mà nghe hay như hát… của một nghệ sĩ nào đó như một điểm nhấn, một cách gây cười, thu hút khán thính giả.

Mới đây, tôi được xem clip Cát Tường về Huế thăm và hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng lũ bão. Sau khi ghé thăm nhà cũ ở cầu Lòn, cô lặn lội về làng, ghé thăm từng nhà khó khăn, len lỏi ra chợ thăm hỏi người thân… Bỏ qua cái giọng Sài Gòn, Cát Tường nói giọng Huế rõ ràng, sang sảng, cũng “mô, tê, răng, rứa”, nghe quen quen như mấy o, mấy mệ ở làng, thân thương lạ. Thì ra, bước ra khỏi sân khấu với ánh đèn màu sang trọng, cô diễn viên hài người Huế xa quê 40 năm từ khi lên 4 tuổi kia, trở lại với quê hương vẫn gần gũi  khi cất lên tiếng nói là giọng Huế đặc sệt, không gì lẫn lộn được.

Bài: LÊ THỤC ĐAN - Ảnh: htv.com.vn