Nơi ở công nhân Thủy điện Rào Trăng còn lại đống đổ nát

Đã được cảnh báo?

Sau khi vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền), làm 17 công nhân gặp nạn, nhiều phương tiện truyền thông dẫn lời TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (KHĐC&KS) Việt Nam, năm 2019, đơn vị này từng tiến hành điều tra và cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực Rào Trăng. Giữa năm 2020, trước khi xảy ra trượt đất ở Rào Trăng 3, cảnh báo của TS. Trịnh Xuân Hòa cùng các cộng sự đã được chuyển cho Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, về tài liệu của Viện Khoa KHĐC&KS Việt Nam thuộc đề án “Điều tra đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” năm 2019, khu vực các huyện thuộc địa bàn tỉnh, quá trình tổ chức nghiên cứu đề án, các chuyên ngành của tỉnh không được tham gia.

Đến ngày 16/7/2020, nhóm cán bộ nghiên cứu đã đến trụ sở văn phòng chuyển giao 2 bộ tài liệu (1 cho văn phòng, 1 cho đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Tại buổi làm việc với đoàn của Viện KHĐC&KS Việt Nam, sau khi nghe báo cáo sơ bộ và nhận sản phẩm đề án, văn phòng nhận thấy đơn vị này đã nghiên cứu và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ trượt lở đất ở địa bàn các địa phương Phong Điền, A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy.

Khu vực sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền)

Tại tờ bản đồ hiện trạng sạt lở đất khu vực Phong Điền, có khoanh vùng nguy cơ sạt trượt ở Thủy điện Rào Trăng, phụ lưu cấp 1 của sông Bồ. Văn phòng ghi nhận thông tin dữ liệu, bản đồ  khoanh vùng sạt lở do đề án cung cấp cơ bản phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, trùng những vị trí mà văn phòng thường xuyên cảnh báo với  chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, sản phẩm vẫn còn những tồn tại hạn chế như lỗi địa danh, đơn vị hành chính, số liệu và đặc biệt còn nhiều vị trí nguy cơ sạt lở chưa được điều tra, thống kê đầy đủ. Văn phòng đã đề nghị tiếp tục điều tra, thu thập dữ liệu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn tỉnh để hoàn chỉnh sản phẩm.

Sau khi bàn giao, đến nay văn phòng chưa nhận được phản hồi của Viện KHĐC&KS Việt Nam về những vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung để trở thành sản phẩm chính thức lưu hành sử dụng.

Văn phòng cũng đã lưu ý đến các cảnh báo của đơn vị này. Trong các cuộc kiểm tra tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, văn phòng thường xuyên cảnh báo nhắc nhở đơn vị thi công công trình và chủ đầu tư về công tác phòng chống bão lụt, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân và công trình. Văn phòng đã yêu cầu chủ đầu tư trang bị thêm hệ thống thông tin liên lạc bằng bộ đàm; rà soát khu vực phạm vi thượng lưu, hạ lưu đập, khu vực thi công có nguy cơ sạt lở để di dời công nhân đến nơi an toàn; lên phương án chuẩn bị phương tiện xe máy tại các vị trí có nguy cơ sạt lở để thông đường khi đây là tuyến độc đạo, dễ sạt trượt và dự trữ lương thực cho công nhân.

Còn nhiều hạn chế

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương, địa phương và cộng đồng khoa học về PCTT rất chú ý đến dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất nhưng đến nay công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ năm 2012-2013, UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với Trường đại học Khoa học ĐH Huế tiến hành cắm nhiều bảng cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ sạt trượt đất như đèo Phú Gia, Mũi Mé, khu vực đồi ở Nghĩa trang liệt sĩ Phú Lộc và tổ chức nhiều lớp tập huấn về PCTT tại các địa phương.

Ông Đặng Văn Hòa cho biết, hoạt động nghiên cứu dự báo, cảnh báo sạt lở đất trên phạm vi địa bàn rộng lớn hiện nay gặp nhiều khó khăn. Việc cảnh báo, dự báo về bão, mưa, lũ có nhiều tiến bộ với mức độ khá chính xác. Dự báo, cảnh báo sạt lở đất thì khó hơn rất nhiều vì liên quan đến nhiều yếu tố như mưa, lũ lụt, địa tầng, cấu trúc địa chất. Mưa lớn cùng những tác động ngoại lực như gia tải lên vùng đất có nguy cơ sạt lở, hoạt động đào đắp, thảm thực vật suy giảm… là một trong những nguyên nhân làm kết cấu đất bị phá vỡ dẫn đến hiện tượng trượt lở, lũ quét.

Các chuyên gia Việt Nam cũng đã có các thiết bị đo cảm biến, có thể khoan sâu vào lòng đất để quan trắc và truyền tải những thông tin, dữ liệu cảnh báo về biến động địa chất, nguy cơ một khu vực đất nào đó có thể bị sạt lở. Với đặc thù địa hình đồi núi trải rộng trên diện tích lớn với nhiều khu vực đất đá có nguy cơ trượt lở, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế thì việc đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo sạt lở đất với diện quy mô lớn ở nhiều nơi chưa thể thực hiện.

Trong điều kiện hiện nay, việc điều tra, thiết lập các bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất là một trong những tài liệu rất có giá trị để các cơ quan chuyên môn tham mưu chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai công tác di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời làm cơ sở để quy hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT quan tâm nghiên cứu, đầu tư hệ thống dự báo chính xác khu vực, thời điểm xảy ra sạt lở giúp tỉnh quản lý tốt loại hình thiên tai lũ quét, trượt lở đất, nhằm đảm bảo an toàn tình mạng tài sản người dân và phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN