Kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước; thực hiện yêu cầu 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch; tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người khi không cần thiết…là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Sau gần 90 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, ngày 30/11, Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc mới COVID-19; trong đó 1 ca lây nhiễm thứ phát trong khu cách ly và 3 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Điều đáng nói, đợt dịch đầu bùng phát là do chúng ta còn chưa biết nhiều về virus SARS-CoV-2. Trong đợt dịch thứ 2, điều bất ngờ là dịch bùng phát ngay trong bệnh viện - nơi tưởng chừng là an toàn. Dù không truy vết được F0, nhưng chúng ta có những biện pháp ứng phó quyết liệt, xem các F1 như F0 để có biện pháp dập dịch phù hợp.

Còn ca lây nhiễm lần này, chúng ta đã xác định nguy cơ và thực hiện các biện pháp cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà với đối tượng có nguy cơ. Tuy nhiên, do không chấp hành nghiêm quy định cách ly, BN 1342 không chỉ tiếp xúc với người thân, bạn bè mà còn tự ý ra ngoài ăn uống, đến trường học khiến dịch có nguy cơ lây nhiễm diện rộng cho cộng đồng. Đây là hành động cố ý chứ không còn vô tình nên cần được xử lý nghiêm. Theo thông tin được Vietnam Airlines công bố, đơn vị đã có quyết định tạm đình chỉ công việc để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải đối với nam tiếp viên là BN 1342 do vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Chiều 3/12, Công an TP. Hồ Chí Minh họp báo công bố khởi tố vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm đối với trường hợp này.

Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 2/12, điều đáng mừng, theo kết quả xét nghiệm được công bố sáng 2/12, cả 737 trường hợp F1 đều âm tính với SARS- CoV-2. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, cần tiếp tục theo dõi và giám sát chặt. Điều này không chỉ đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý người cách ly mà còn cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.

Với Thừa Thiên Huế, có nhiều người làm ăn, sinh sống, thăm thân tại TP. Hồ Chí Minh trở về nên nguy cơ lây nhiễm SARS- CoV-2 là rất lớn. Hiện, qua rà soát, truy vết, Thừa Thiên Huế đã xác định 1 đối tượng F2 và12 đối tượng F3. Cả 13 người đều đã kiểm tra sức khỏe. Riêng trường hợp F2 đã xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính, hiện đang được cách ly tập trung.

Ngoài ra, tỉnh còn có cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đường sắt, đường bộ nằm trên tuyến Bắc - Nam; Bệnh viện Trung ương Huế; là địa chỉ du lịch hấp dẫn… nên cần thắt chặt việc kiểm soát người từ các vùng dịch vào địa phương, nhất là ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống COVID-19 của Bộ Y tế.  Thực tế thời gian qua, theo quan sát của chúng tôi, người dân rất chủ quan trong việc đeo khẩu trang nơi công cộng; việc kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn ở các siêu thị, nơi tập trung đông người, bệnh viện, nhà máy có phần buông lỏng.

Để việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, ngoài phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, sự tham gia của hệ thống chính trị cần sự tự giác chung tay của người dân. Với các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch, ngoài các biện pháp hành chính cần xem xét xử lý hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để tăng sức răn đe.

Hoàng Minh