Hành động khí hậu để cứu sống các siêu đô thị ở khu vực ASEAN. Ảnh minh họa: VietnamNet

Liên Hiệp Quốc đã mô tả siêu đô thị là những khu đô thị với dân số từ 10 triệu người trở lên. Nếu dân số đô thị tiếp tục tăng với tốc độ như hiện tại, khả năng cao số lượng các siêu đô thị trên thế giới có thể tăng đến 43 vào năm 2030. Đến năm 2050, 75% nhân loại sẽ sống trong các thành phố.

Theo báo cáo Chi phí Xây dựng Quốc tế năm 2019 của công ty tư vấn thiết kế, kỹ thuật và quản lý toàn cầu Arcadis, các thành phố ở Đông Nam Á như Kuala Lumpur, Jakarta và Bangkok thuộc nhóm các thành phố có giá xây mới rẻ nhất thế giới. Các yếu tố góp phần vào điều này là lương thấp, khả năng tiếp cận vật liệu xây dựng và đất đai có sẵn với chi phí phải chăng hơn.

Sự phát triển của các siêu đô thị ở ASEAN song song với sự gia tăng dân số, tạo ra sự tập trung của các hoạt động kinh tế và tăng cường kết nối, dẫn đến sự phát triển hơn, từ đó tăng số người đến đây sinh sống.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là dân số trong khu vực ASEAN rất khác nhau, từ Singapore và Malaysia đô thị hóa cao đến Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam bán đô thị hóa. Trong khi đó, Campuchia vẫn chủ yếu là nông thôn.

Khi các siêu đô thị sẵn sàng “đóng góp” vào sự tăng trưởng của hơn ½ lượng khí thải nhà kính (GHG) toàn cầu và các hợp chất gây ô nhiễm cho khí quyển thì ý tưởng về một thế giới trong tương lai hòa làm một sẽ trở thành một viễn cảnh không bao giờ đạt được.

Nằm chủ yếu gần các khu vực ven biển, các siêu đô thị Đông Nam Á đang phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu. Jakarta và Bangkok thực sự đang chìm trong sức nặng của dân số, cùng lúc các thành phố ASEAN khác có nguy cơ cao phải hứng chịu ít nhất một loạt thiên tai. Các siêu đô thị như Jakarta và Manila đối mặt với nguy cơ cao sẽ phải hứng chịu từ 3 kiểu/loại thiên tai trở lên.

Tính đến thời điểm hiện tại, Jakarta là thành phố đông dân nhất ASEAN với khoảng 34,5 triệu dân. Theo sau đó là Manila, Bangkok, thành phố Hồ Chí Minh và Kuala Lumpur.

Các nền kinh tế phát triển đòi hỏi sự phát triển cũng phải gia tăng. Nhưng khi khu vực phát triển, các siêu đô thị lớn của ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức thực tế để cung cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời phân phối tài nguyên hiệu quả và bền vững cho lượng dân số ngày một tăng của mình.

Vấn đề đặt ra là gia tăng dân số đồng thời sẽ làm tăng tiêu thụ tài nguyên, nguyên liệu thô, thực phẩm và năng lượng. Sự gia tăng này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của rừng và đất ngập nước, dẫn đến sự suy giảm của nhiều loài quan trọng, làm hư hỏng khả năng tái tạo Oxy, đất và nước sạch của trái đất... Đây là những yếu tố cực kỳ cần thiết cho sự sống của con người chúng ta.

Hiện nay, các hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng liên tục để duy trì các siêu đô thị của con người chúng ta là một trong số những nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, dự đoán này không phải là mới và lời khuyên để giảm thiểu tác động đã có từ nhiều thập kỷ trước.

Khi chỉ số Carbon tiếp tục tăng, các nền kinh tế mới nổi ở ASEAN là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, triều cường hằng ngày sẽ làm ngập lụt các khu vực có hơn 48 triệu người dân đang sinh sống trong khu vực, trong khi mức lũ trung bình hằng năm được dự báo sẽ làm ngập nhà của hơn 79 triệu người.

Chính vì những lý do này, nhiệm vụ chống chọi với khí hậu đối với các siêu đô thị của chúng ta là rất quan trọng, cũng là điều cấp thiết để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trừ khi chính phủ các nước trong khu vực ASEAN chuyển trọng tâm từ tăng trưởng và xây dựng sang thúc đẩy môi trường sống có chất lượng, bằng không các thảm họa khí hậu sắp tới sẽ là điều không thể ngăn chặn được. Không có gì có thể cứu các siêu đô thị trong khu vực nếu trường hợp xấu nhất xảy ra.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)