Nội dung chính của buổi tọa đàm là tiếp tục phân tích, đánh giá những giá trị của châu bản triều Nguyễn để đề ra những giải pháp về nội dung bảo tồn và phát huy giá trị châu bản trong giai đoạn hiện nay, cũng như chuẩn bị cho những tiềm năng di sản tư liệu tiếp theo. Buổi toạ đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Huế, như: Ths. Phan Thuận An, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Hồng Trân, TS. Trần Đình Hằng...


Tọa đàm thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế

Châu bản triều Nguyễn chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tháng 5/2014. Châu bản triều Nguyễn nói chung từ trước đến nay đã có một số công trình nghiên cứu, đánh giá. Tuy vậy, trừ những người nghiên cứu chuyên sâu mới có điều kiện để nắm bắt đầy đủ về các giá trị của châu bản, nhiều người vẫn chưa có thể định hình một cách rõ nét về chiều sâu của loại hình di sản này.

ThS. Hà Văn Huề - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, cho biết: Châu bản triều Nguyễn hiện nay là một trong các sưu tập tài liệu đặc biệt quý hiếm đang được bảo quản tại đơn vị, với những giá trị đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hình thức và nội dung như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế… ThS. Nguyễn Thu Hoài (cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) nói thêm: “Đây là các văn thư hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền triều Nguyễn, vì thế nó đương nhiên phản ánh rõ ràng và sinh động giai đoạn lịch sử này”.

Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An tạo ấn tượng sâu sắc khi giới thiệu về tập châu bản độc bản mà ông đang giữ. Sau khi giới thiệu về 2 tờ châu bản trong đó có liên quan đến đảo Hoàng Sa, ThS. Phan Thuận An đã khẳng định tập châu bản ấy là tư liệu độc nhất vô nhị, vì cho đến nay vẫn chưa ai có bản gốc thứ 2 giống như thế. Với những tờ châu bản, chúng ta còn có thể khai thác được nhiều vấn đề mang tính lịch sử khác và đây cũng là những vấn đề mà Nhà nước cần quan tâm để giữ gìn.

Đề xuất giải pháp bảo tồn giá trị của châu bản, nhiều ý kiến đều cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập trung quảng bá, tuyên truyền và biên soạn châu bản theo những chủ đề, nội dung thông tin cụ thể; xây dựng và thiết kế không gian châu bản để phục vụ nhu cầu tham quan của công chúng và học tập của sinh viên; xây dựng trang thông tin điện tử, từng bước giới thiệu châu bản trên mạng diện rộng theo song ngữ Việt – Anh; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện tu bổ phục chế các tập châu bản đang ở tình trạng hư hỏng nặng…

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, châu bản là tài liệu đề cập khá nhiều về việc xây dựng, tu bổ các công trình dưới triều Nguyễn, kể cả việc bài trí, sinh hoạt trong cung điện. Nếu khai thác được mảng tài liệu này, thì đây là một giải đáp quan trọng cho các nhà quản lý, bảo tồn ở Huế.

Hiện nay việc bảo tồn, gìn giữ châu bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang được thực hiện rất tốt, nhưng việc khai thác và phát huy giá trị của di sản quý giá này vẫn còn nhiều hạn chế.

Cố đô Huế là nơi gắn liền với sự hình thành của châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị di sản, nên việc các đơn vị quản lý và chuyên môn phối hợp với nhau để đưa châu bản về Huế - bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, để khai thác, phát huy giá trị là điều hết sức cần thiết và phù hợp. Đây cũng là cách hữu hiện để tôn vinh giá trị của di sản châu bản ngay tạo nơi nó được sinh ra, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Đồng Văn