Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đông nhưng chưa mạnh. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, nhất là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế; không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện.
Chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là yêu cầu thường xuyên (ảnh minh họa)
Đông nhưng chưa mạnh
TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Thừa Thiên Huế đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong số khó khăn đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu các chuyên gia đầu ngành và năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn vẫn còn những hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các xã miền núi, vùng nông thôn.
Qua tìm hiểu thực tế, cán bộ cấp cơ sở trong tỉnh dần được chuyển giao từ thế hệ “cũ” sang thế hệ “mới” nên có sức khỏe và năng động, được đào tạo khá bài bản về trình độ chuyên môn.
Tuy vậy, trình độ lý luận chính trị và kinh nghiệm lãnh, chỉ đạo điều hành còn hạn chế nên ít nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Cũng có không ít cán bộ quá “táo bạo” trong giải quyết công việc, ít am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ nên dễ dẫn đến những sai lầm không đáng có, làm mất đi hình ảnh người cán bộ, đảng viên.
Dẫn chứng của Ban Nội chính Tỉnh ủy, mặc dù Tỉnh ủy đã ban hành và thực hiện Đề án chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC nằm trong danh mục định kỳ phải chuyển đổi để phòng ngừa tham nhũng giai đoạn 2017 – 2020, thế nhưng, vẫn có cán bộ cấp xã, phường, thị trấn bị kỷ luật. Đơn cử như Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh (Phú Vang); Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Hòa; cán bộ chính sách phường Thuận Hòa (TP. Huế); Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư – Dịch vụ việc làm thuộc Ban Quản lý Chân Mây – Lăng Cô… bị kỷ luật vì vi phạm pháp luật.
Hay nhìn từ huyện Phong Điền, tuy được Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác tổ chức cán bộ, nhất là chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền) thì: “Bên cạnh đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) cấp xã làm việc chuyên môn tốt, vẫn còn không ít cán bộ làm việc máy móc nên hiệu quả giải quyết công việc ở cơ sở không cao. Một số cán bộ cấp huyện giải quyết công việc còn thiếu khoa học, nặng về kinh nghiệm là chính; chưa chủ động tiếp dân, ít dành thời gian trực tiếp về cơ sở, phương pháp làm việc chưa khoa học, chưa lập kế hoạch công tác phù hợp nên ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình quản lý và lãnh đạo, điều hành công việc ở cơ sở”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn trao các quyết định và tặng hoa chúc mừng
“Một số nơi vẫn còn tình trạng cán bộ đi học theo kiểu “chạy” bằng cấp để đủ tiêu chuẩn theo quy định; nhiều cán bộ dù đã đạt chuẩn nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống, chưa chịu khó học tập, rèn luyện, thiếu sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng nhiệm vụ chính trị của địa phương nên chưa có những giải pháp tốt, mang tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ”, TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh nhận xét.
Thiếu cán bộ chất lượng cao
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Tuy chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ đầu các ngành, lĩnh vực, cán bộ địa phương trong tỉnh không ngừng được nâng lên, nhưng ở các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch… vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo được sự đột phá vượt bậc. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ trẻ còn thấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn bị động, hẫng hụt. Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy chưa toàn diện; phương thức lãnh đạo, phương pháp làm việc có nơi còn chậm đổi mới”.
“Xác định Huế là “thành phố Festival”, là “trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế chuyên sâu”, nhưng khi nhìn lại, chúng ta mới thấy có quá nhiều khoảng trống, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao của các lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế. Ở cấp địa phương, chúng ta ít có những cán bộ đầu ngành trên các lĩnh vực chuyên môn sâu…”, Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông trao đổi.
Thi tuyển, giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Ảnh: HG
Theo chia sẻ của PGS.TS. Trần Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế, hiện tượng "chảy máu chất xám" do một số CBCC sau khi được cho đi đào tạo sau đại học đã bỏ cơ quan Nhà nước để đi làm việc cho các đơn vị liên doanh, tổ chức nước ngoài, hoặc đến những đơn vị có chế độ ưu đãi và thu nhập cao đã xảy ra trong nhiều năm, nhưng tỉnh vẫn chưa giải quyết một cách rốt ráo “bài toán” này”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vừa qua xác định, hướng đi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là phát triển theo những tiêu chí đặc thù để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mà vẫn phát huy được các giá trị di sản, văn hóa riêng có của tỉnh: Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đây là những đặc thù riêng có của tỉnh so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác của Việt Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Như vậy, đi kèm với những cơ chế đặc thù để phát triển khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của bộ máy mới, đô thị mới là vấn đề lớn đặt ra. Đó là đội ngũ cán bộ phải đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng. Chất lượng ở đây chính là “đủ sức làm chủ” bộ máy trực thuộc Trung ương.
“Muốn vậy, ngoài trình độ chuyên môn được đào tạo, đào tạo lại thì đội ngũ CBCC, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần năng động, sáng tạo mới đáp ứng yêu cầu quản lý các đô thị tương lai. Tư duy trong công tác cán bộ cũng được đổi mới, chú trọng tính dài hạn, chiến lược để khắc phục tình trạng hụt hẫng, bị động như hiện nay. Trong đó, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ và đội ngũ cán bộ dự nguồn”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chỉ rõ.
Thống kê của Sở Nội vụ cho thấy, hiện toàn tỉnh có 1.774 công chức cấp xã (tỷ lệ 99,27%) và 1.513 cán bộ cấp xã (96,18%) có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 2.235 cán bộ, công chức (CBCC) (66,51%) có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; 96 CBCC (2,97%) có trình độ cử nhân chính trị. Đội ngũ trí thức đang làm việc trong các ngành hiện có 281 giáo sư và phó giáo sư, 913 tiến sĩ, 5.662 thạc sĩ… Trong số CBCC cấp xã, phường, thị trấn, có không ít cán bộ vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa theo các lớp đào tạo để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Có không ít cán bộ vừa kiêm nhiệm các chức danh khác nhau. |
Bài, ảnh: Anh Phong
Kỳ 2: Hoạch định chiến lược con người