Hàng hoá được đóng gói tại kho hàng của một tập đoàn bán lẻ trực tuyến. Ảnh minh họa:  AFP/TTXVN

Những năm gần đây, giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp (B2B) ở khu vực Đông Nam Á chậm lại trong việc số hóa bán hàng; tuy nhiên, kịch bản này có thể thay đổi trong thế giới hậu COVID-19, Công ty Tư vấn YCP Solidiance nhận định trong một báo cáo mới.

Trong đó, công ty tư vấn quản lý tập trung vào khu vực châu Á đã ghi nhận tác động kinh tế to lớn của đại dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng GDP âm ở khu vực Đông Nam Á, có thể bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan. Ngoại lệ duy nhất là Việt Nam, với dự báo tăng trưởng hơn 1%; dù vậy, đây vẫn là mức giảm so với mức hơn 6% trước đại dịch.

Không chỉ trong khu vực, nền kinh tế của một số đối tác thương mại hàng đầu của Đông Nam Á cũng đang thu hẹp. Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm từ 6% xuống dưới 2%; trong khi Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến ​​dự báo tăng trưởng rơi vào mức âm.

Ông Shingo Kasumoto, Đối tác quản lý tại YCP Solidiance Đông Nam Á giải thích: “Với việc nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phong toả trên toàn quốc và những hạn chế biên giới, nhiều doanh nghiệp B2B ở Đông Nam Á không thể tiến hành bán hàng như cách họ làm chỉ cách đây vài tháng”. Do đó, doanh thu giảm mạnh, và mọi con đường đều hướng đến việc bán hàng được số hóa hơn.

Tin tốt là các điều kiện thị trường của Đông Nam Á đã chín muồi để cung cấp số hóa nhiều hơn. Trên thực tế, hơn 80% Giám đốc Điều hành trong khu vực thực hiện nghiên cứu trực tuyến cho việc mua hàng B2B. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tăng tốc sự phụ thuộc vào các kênh kỹ thuật số, từ kinh doanh đến giải trí, thì xu hướng này sẽ tăng tốc. Qua đó, Giám đốc YCP Solidiance, ông Jeaness Wong lưu ý: “Các doanh nghiệp B2B nên xem đây là cơ hội để thiết lập các kênh trực tuyến của họ ở vị trí tốt, nhằm nắm bắt các đầu mối bán hàng mới”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Consultancy.asia)