Một buổi khuya đói lòng, tôi chạy xe ra phố, cốt để kiếm chút gì lót dạ nhưng cũng để kiếm tìm thêm chút cảm giác xuống phố đêm đông.
Lòng vòng qua các nẻo đường tìm món ăn ưng ý, chợt nhận ra hàng quán vỉa hè trong đêm đông Huế cũng quá sức đa dạng. Nào những xe bánh bao thơm phức dọc đường Phan Bội Châu, những quầy cháo gà ấm áp tại chợ Bến Ngự, đến những quầy treo giăng trong ánh điện sáng khá đẹp mắt những xâu cá viên chiên mà nhóm học sinh cấp 2 cấp 3 vẫn thường mê mẩn… Thành phố như sáng lên, không chỉ bởi ánh đèn đường, mà còn bởi ánh đèn của những con người mưu sinh bằng hàng quán đêm. Cái ánh sáng vừa soi rọi, vừa gọi mời những tâm hồn đam mê cảm giác ăn khuya.
Bữa ăn muộn của người lao động
Lên cầu Phú Xuân sang bờ nam sông Hương, đường Trần Hưng Đạo lấp lánh, sáng rực những xe di động bán cá viên, quầy bún bò đón khách chơi khuya, và dĩ nhiên là những nồi chè hàng chục thức nổi tiếng bên ngoài cửa Thượng Tứ. Tôi vòng xuống chợ Đông Ba, xem người ta dọn hàng đêm vào quãng sau giờ tan chợ ra sao. Vào mùa này, trời Huế tối sớm, không khí rất lạnh, ấy thế mà vẫn có những dì bán trái cây, bánh mứt vẫn ở lại bán đến tận khuya. Đang tự hỏi “mình nên ăn gì đây nhỉ?”, bỗng một mùi hương thơm ngọt quen thuộc phảng phất qua mũi. Trước siêu thị Coop Mart, một chiếc xe bán các loại nước đậu đang sáng đèn. “Dì ơi, cho con một ly nước đậu, nóng nghe dì”, tôi sà ngay vào quán.
Trời đông gió rét, còn gì bằng cầm trên tay ly sữa nóng, vừa thổi vừa hớp từng ngụm. Tôi đã yêu thích thứ nước đậu trắng, thơm ngọt này từ những ngày vừa chập chững đi học mẫu giáo. Bây giờ, áp bàn tay lạnh vào li nước nóng vừa lân la trò chuyện với dì thật là lí thú. “Dì đi bán được gần 10 năm rồi. Hôm mô cũng bán từ 5, 6 giờ chiều, khuya 11, 12 giờ mới dọn quán. Hôm bán được nhiều thì dư dả, có thêm tiền để dành. Hôm bán ít thì đủ tiền để ngày hôm sau mua nguyên liệu mới để chuẩn bị nước đem bán”. Dì nói, hơi thở bay thành khói trong không trung.
Dì kể, dì có đứa con đang học đại học ở Sài Gòn. Sắp tới Tết, cậu con dì đã tiết kiệm tiền để về Tết với gia đình, nhưng Sài Gòn bùng dịch trở lại, nên không biết có về được không. “Thôi thì cũng mong con an toàn là được rồi. Dì ráng bán thêm chút, có thêm chút tiền, lỡ Tết hắn không về được thì còn có một hai đồng để gửi cho hắn có cái ăn nơi đất khách quê người” . Vừa làm li nước cho khách ,dì vừa bộc bạch.
Ăn hàng đêm đông đôi khi trở thành sở thích của nhiều bạn trẻ
Tạm biệt dì, tôi vòng sang đường Phan Đăng Lưu. Một góc ngã tư chân cầu Gia Hội sáng lên bởi ánh đèn của tiệm bán mì ổ. Trong quán, một hai bác xe ôm đang vừa ăn mì, vừa uống nước trò chuyện sau một ngày vất vả mưu sinh. Nhìn sang bên kia đường, đập vào mắt tôi, hình ảnh của một gánh chè rong, một “mệ” cũng đã tầm ngoài 60, với đôi triêng gióng, đang mượn ánh đèn của tiệm bánh gần đó, mở hàng giữa đêm. Những nồi chè thơm phức, phảng phất vị ngọt của nước đường và vị béo của nước cốt dừa, được phủ lên một tấm áo mưa trong suốt, để ngăn làn mưa nhỏ mà da diết của Huế. Trong gánh chè tạm ấy, một cô lao công quét dọn đường phố đang vừa ăn vừa trò chuyện với mệ, thân thiết và tin yêu...
“Dì làm ca tối, bắt đầu làm từ lúc 7 giờ. Chừ đang rảnh rỗi một chút, nghỉ tay lót dạ. Tối mô mệ cũng bán hàng chỗ ni, nên hai mệ cháu vừa ăn vừa chuyện vãn, cũng vui lắm. Mệ mùa ni thì bán chè nóng, chè đậu ván, đậu xanh đánh, chè khoai môn nì. Ăn ly chè, ngon ngọt mà ấm bụng, bao nhiêu mệt mỏi quên hết cả.” – dì lao công vui vẻ nói. Dì làm ca tối, lúc xong việc cũng đã rất khuya, quét dọn đường phố rồi gom rác đến điểm tập kết, lúc trở về nhà cũng đã 2 giờ sáng. Công việc tuy vất vả, nhưng có những “người bạn”, những hàng quán đỏ đèn giữa đêm khuya, ít nhiều cũng khiến người lao công cảm thấy bớt trống vắng, cô đơn đi nhiều.
Huế những đêm đông trời rét vẫn văng vẳng tiếng rao “ai bánh bao đây”, “ai lộn”… nghe thật xao động. Và vẫn sáng nơi những góc phố với những xe hàng bán đủ các thức khuya, sống động và nhộn nhịp theo cách của riêng mình. Người ta bảo Huế có nhiều cái thật đáng nhớ, thì đó, đêm đông xuống phố ăn hàng, ắt hẳn gặp cái thi vị rất riêng…
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH