Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI

Sàng lọc cán bộ kết hợp với đào tạo

Để có một đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đề ra, cần khảo sát lại và đánh giá một cách khách quan về cơ cấu nguồn nhân lực công vụ, làm rõ nguồn nhân lực thừa và nguồn nhân lực thiếu; dự báo nhu cầu một cách khoa học về nguồn nhân lực để tiến hành xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cho từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, đơn vị… Đây là những vấn đề căn cơ và chiến lược lâu dài phải thực hiện khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Cần lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho từng loại CBCC theo quy hoạch của từng thời gian, từng giai đoạn. Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch CBCC phải vận dụng và thực hiện tốt quy chế về công tác cán bộ, nhất là quy chế về đánh giá, tuyển chọn, sử dụng, đề bạt, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn đề xuất.

Xác định những tồn tại, khó khăn về công tác cán bộ, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã tổ chức sàng lọc đội ngũ cán bộ từ thực tiễn công việc được giao, bằng những hành động cụ thể, thiết thực ở cơ sở. Bên cạnh đó, không ít cán bộ từ địa phương này được điều động, luân chuyển về địa phương khác công tác hoặc từ ngành này sang phụ trách lĩnh vực, ngành khác để có sự cọ xát thực tiễn. Tuy nhiên, số lượng cán bộ nguồn này khi về cơ sở cũng chỉ mới làm tròn trách nhiệm của mình, chưa tạo được sự đột phá mới, đề ra những chiến lược mới ở cơ sở.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho rằng: “Tỉnh cần có những chính sách thu hút nhân tài khắp mọi miền trong cả nước về làm việc trong các bộ máy công quyền cho tỉnh. Điều này không chỉ giải được bài toán hụt hẫng về nguồn nhân lực mà còn nhằm trẻ hóa đội ngũ CBCC”.

Một trong 4 giải pháp đột phá chiến lược mà nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra và quyết tâm thực hiện bằng được chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu bộ máy hành chính khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ban hành các chính sách đặc biệt về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu mới, gắn với nền công nghệ số thì sẽ liên kết giữa doanh nghiệp, nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đủ tầm quản lý bộ máy, đô thị mới khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Một đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học – công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia trong các lĩnh vực ngành, mũi nhọn và lợi thế của tỉnh cũng sẽ được hình thành. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ công chức, quản lý hành chính chuyên nghiệp; chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, chuẩn bị bộ máy cho việc hành thành các đô thị tương lai cũng đã được đặt ra.

Chuẩn chuyên môn, đột phá trong cách nghĩ

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn cho rằng: “Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đòi hỏi cần có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Ngoài chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ CBCC, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ CBCC ở khu vực nông thôn”.

Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

“Chính sách thu hút có hợp đồng thoả thuận ràng buộc đối với sinh viên có học bổng đi học nước ngoài bằng cách hỗ trợ thêm một khoản tiền từ 30 - 50% học bổng toàn phần để sau khi tốt nghiệp họ trở về phục vụ quê hương. Đây là hướng đào tạo hiệu quả, thật sự chọn được nhân tài nhất cho công cuộc xây dựng quê hương trong những năm tới. Ngoài ra, thời gian qua, một số sở, ngành cấp tỉnh đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo để tìm ra người tài, đủ sức đảm đương công việc. Vấn đề này vẫn cần được tiếp tục triển khai trong thời gian tới”, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định góp ý.

Tháng 10/2020, Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện chủ trương thu hút, đãi ngộ chuyên gia giỏi trong và ngoài nước đến tỉnh làm việc. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành đề án phát triển đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ đủ khả năng làm chủ, chuyển giao các công nghệ tiên tiến. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 và 2030, trong mỗi lĩnh vực ưu tiên có từ 3-5 chuyên gia hàng đầu ở tầm quốc gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ khối các cơ quan Đảng, sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ít nhất 30% có trình độ thạc sĩ và ít nhất 2% có trình độ tiến sĩ. Nhân lực khoa học và công nghệ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh ít nhất 35% có trình độ thạc sĩ và ít nhất 2,5% có trình độ tiến sĩ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết: “Để phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới xây dựng nền kinh tế số đáp ứng yêu cầu khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì vấn đề nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định. 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên. 20% CBCC cấp xã và 15% CBCC lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định”.

“Quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy sẽ có sự thay đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Do vậy, việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nhằm đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo điều hành là vấn đề hết sức quan trọng. Mỗi CBCC, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm học và tự học để không ngừng nâng cao kiến thức về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định.

Mô hình đô thị của tỉnh là “Thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” với khu vực lõi là TP. Huế mở rộng, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền (huyện Phong Điền đã và đang thực hiện các bước để chuyển lên thị xã) và đô thị Chân Mây theo định hướng tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Đây là mô hình đặc thù, không thành lập các quận nội thành, nhưng trong tương lai sẽ hình thành các quận.

Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì các đơn vị hành chính cũng có sự thay đổi cho phù hợp. Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận). Sau khi sắp xếp và sáp nhập, TP. Huế sẽ có diện tích tự nhiên hơn 266 km2, dân số hơn 652.000 người, gồm 29 phường và 7 xã.

Bài, ảnh: Anh Phong